Cảnh giác với hành vi tự sát của bệnh nhân tâm thần

06-09-2019 15:05 | Y học 360
google news

SKĐS - Trường hợp bệnh nhân nam 60 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu trong tình trạng hôn mê do ngộ độc thuốc phenobarbital mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các gia đình có người nhà bị bệnh tâm thần cần hết sức cảnh giác với các ý định và hành vi tự sát của người bệnh.

Tự sát là các hành vi của bệnh nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến cái chết, bệnh nhân thực hiện các hành vi này trong tình trạng ý thức sáng sủa.

Trong lâm sàng, tự sát có 3 mức độ: Ý định tự sát (bệnh nhân mới chỉ dừng lại ở ý định muốn chết mà chưa có bất kỳ hành vi tự sát nào); Hành vi tự sát (bệnh nhân đã có một hoặc nhiều hành vi tự sát, nhưng vẫn chưa tử vong); Tự sát thành công (bệnh nhân đã tử vong do tự sát).

Nguyên nhân và biểu hiện của tự sát

Nguyên nhân: Có đến 95% số trường hợp tự sát do bệnh lý rối loạn tâm thần gây nên, trong đó trầm cảm chiếm đến 75% số trường hợp, nghiện rượu và ma túy chiếm 15%, tâm thần phân liệt chiếm 3%, còn lại do các nguyên nhân khác như lo âu, động kinh, nghiện game...

Cảnh giác với hành vi tự sát của bệnh nhân tâm thầnCấp cứu một trường hợp bệnh nhân ngộ độc thuốc.

Các biểu hiện của tự sát:

Chán nản, bi quan: Triệu chứng này càng nặng thì nguy cơ tự sát của bệnh nhân càng cao. Lúc đầu bệnh nhân nghĩ rằng bệnh nặng thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi...) thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng bệnh nhân chết đi cho đỡ đau khổ. Các ý nghĩ này biến thành niềm tin rằng những người trong gia đình, cơ quan... có thể sẽ khá hơn nếu bệnh nhân chết. Từ ý nghĩ tự sát, bệnh nhân sẽ có hành vi tự sát. Triệu chứng này hay gặp trong trầm cảm, nghiện rượu, nghiện game.

Tuyệt vọng: Bệnh nhân luôn cho rằng mình không còn hy vọng gì trong cuộc sống, rằng mình đã bị bỏ rơi, không ai giúp đỡ. Động cơ tự sát của bệnh nhân là mong muốn cao độ chấm dứt một trạng thái cảm xúc đau khổ, sự tra tấn đang hành hạ cơ thể bệnh nhân. Triệu chứng này hay gặp trong trầm cảm, nghiện rượu, nghiện game.

Bồn chồn: Bệnh nhân luôn cảm thấy bất an, lo lắng về những điều rất mơ hồ. Tuy nhiên, họ lại cho rằng các vấn đề mơ hồ đó là dấu hiệu báo trước tai họa đang ập xuống đầu họ và gia đình họ. Triệu chứng này hay gặp trong trầm cảm, lo âu.

Hoang tưởng: Các hoang tưởng bị truy hại được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra tự sát. Họ luôn cho rằng có một ai hoặc một thế lực nào đó tìm cách giết bệnh nhân và gia đình họ. Vì thế, bệnh nhân sẽ tự sát để tránh cái chết đau đớn mà kẻ thù sẽ mang đến cho họ. Triệu chứng này hay gặp trong tâm thần phân liệt và loạn thần do rượu, do ma túy (ma túy đá, heroin).

Ảo thanh: Tự sát có thể là hậu quả của các ảo thanh ra lệnh, bình phẩm, xui bệnh nhân. Các ảo thanh giả thường chi phối hành vi của bệnh nhân nhiều hơn ảo thanh thật. Triệu chứng này hay gặp trong tâm thần phân liệt, loạn thần do rượu và ma túy.

Mật độ và cường độ của ý định tự sát có thể rất khác nhau. Một số bệnh nhân tự sát ít nghiêm trọng có thể ý định tự sát mới chỉ ập đến (chỉ 1 - 2 phút trước đó) mà trước đó bệnh nhân chưa hề nghĩ đến cái chết. Trường hợp nặng hơn, ý nghĩ tự sát tái diễn (1 hoặc 2 lần/tuần), họ có thể cân nhắc kỹ càng trước khi hành động. Một số bệnh nhân tự sát có thể chuẩn bị vật chất (ví dụ: vũ khí hoặc chất độc) để sử dụng cho hành vi tự sát, có thể xác định chỗ và thời điểm mà họ sẽ chỉ có một mình để có thể tự sát thành công. Đa số bệnh nhân thường tự sát ở gia đình, tuy nhiên có một số người lại tự sát ở cơ quan, ở những nơi hoang vắng.

Điều trị

Tự sát là một cấp cứu tâm thần, chúng ta cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến bệnh viện để làm các việc sau:

- Giải quyết ngay các hậu quả của hành vi tự sát: Khâu vết thương (dùng dao cắt), rửa dạ dày (ngộ độc thuốc)...

- Cố định bệnh nhân vào giường bằng 3 sợi dây to bản (tay xuôi, tay duỗi, hai chân chụm vào nhau).

- Dùng thuốc tiêm haloperidol, pipolphen, diazepam. Tiêm bắp đùi cả ba loại thuốc này, chờ cho bệnh nhân ngủ sâu (thường sau khoảng 1 giờ) thì chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần (ở tư thế nằm để được điều trị nguyên nhân gây ra tự sát).

Một số điểm cần đặc biệt lưu ý:

Cần cho bệnh nhân vào phòng bệnh, ở chỗ dễ nhìn, có người giám sát liên tục.

Không được để trong buồng bệnh các dụng cụ sắc, nhọn (dao, kéo), dây (dây giày, thắt lưng, dây buộc màn), túi nilon to vì có thể các dụng cụ này sẽ bị bệnh nhân sử dụng để tự sát.

Cần phải cố định bệnh nhân và tiêm thuốc đầy đủ liều vì nếu không được quản lý và điều trị, họ sẽ tiếp tục tự sát khi có cơ hội.

Không giữ bệnh nhân có hành vi tự sát lại điều trị tại các phòng khám, trạm y tế phường, xã vì ở đây không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và thuốc điều trị cho bệnh nhân.


PGS.TS. Bùi Quang Huy
Ý kiến của bạn