Cảnh giác với giao dịch tiền giả dịp cuối năm

06-12-2017 10:14 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu giao dịch tiền của người dân đang tăng cao thì cũng là lúc các đối tượng lợi dụng để buôn bán tiền giả.

Mạng xã hội thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều đối tượng bán các loại tiền giả với đủ loại mệnh giá, rao bán công khai với số lượng lên tới hàng trăm triệu đồng. Song hành cùng đó là tiềm ẩn hành vi lừa đảo, sau khi nhận được chuyển khoản hoặc mã số thẻ cào để giao dịch, các đối tượng lừa đảo sẽ biến mất.

Lợi dụng lòng tham để... dụ dỗ “con mồi”

Mới đây nhất, ngày 5/12, Công an quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Xuân Vũ (SN 1997, ngụ tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức giả vờ bán tiền giả để lấy tiền thật. Tại cơ quan công an, đối tượng Vũ thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Khi bị bắt, trên người đối tượng vẫn còn nguyên cọc tiền, 2 mặt bên ngoài là tiền thật nhưng bên trong là tiền âm phủ. Theo đó, đối tượng Vũ thường lên mạng xã hội rao bán tiền giả giống như tiền thật, khó phát hiện, với 7 triệu đồng tiền thật sẽ đổi được 60 triệu đồng tiền giả. Ngày 25/11, anh H. (SN 1993, ngụ quận Tân Bình) đồng ý mua số tiền giả của Vũ. Khi đến điểm giao dịch, Vũ yêu cầu anh H. đưa tiền thật cho Vũ xem trước. Vừa nhận tiền xong Vũ đưa nguyên cọc tiền cho anh H. rồi nhanh chóng tẩu thoát. Khi anh H. lấy cọc tiền ra kiểm tra thì phát hiện bên ngoài cọc tiền chỉ có 3 tờ tiền là tiền thật, còn lại bên trong toàn là tiền âm phủ. Biết mình bị lừa đảo, anh H. thông tin đến “hiệp sĩ” Nguyễn Việt Sin để bắt đối tượng. Sau đó, “hiệp sĩ” Sin lên mạng đóng giả người cần mua tiền giả tìm cách liên lạc với Vũ. Vũ đồng ý gặp khách hàng để giao tiền tại công viên Hoàng Văn Thụ. Khi đối tượng vừa gặp mặt thì bị “hiệp sĩ” tóm gọn giao cho công an.Đối tượng Vũ tại cơ quan công an.

Đối tượng Vũ tại cơ quan công an.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2017, trong một lần lên mạng dò tìm, chị Lê Thị Thu, ở phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá bất ngờ khi thấy hàng loạt các trang cá nhân công khai rao bán tiền giả với những lời mời chào hấp dẫn. Nhấp chuột vào trang có tên “Shop tiền giả uy tín”, chị càng ngạc nhiên hơn khi đọc lời rao bán với mức chênh lệch cao cũng khẳng định chắc nịch về uy tín. Trót nổi lòng tham, chị Thu điền thông tin và đặt mua 7 triệu đồng tiền giả (loại 500 ngàn đồng) với giá 1 triệu đồng tiền thật. Sau khi hai bên liên lạc qua điện thoại thỏa thuận cách giao nhận thì 2 ngày sau, chị Thu được bưu điện thông báo ra nhận hàng. Do bên bán hàng đưa ra yêu cầu không xem hàng trước khi trả tiền nên chị Thu nhanh chóng trả 1 triệu đồng cho bưu tá rồi lấy gói bưu kiện mang về. Tuy nhiên, bên trong bưu kiện, chị Thu nhận được chỉ là một cuốn sách có hình dáng và kích thước giống như cọc tiền. Theo tìm hiểu, những lời quảng cáo: “Giống tiền thật 99%”, “bán tiền giả không cọc, uy tín, chất lượng, tạo niềm tin” là những lời chào mời hấp dẫn khiến nhiều người ham tiền mờ mắt. Đã có người chuyển khoản tiền đặt cọc hay nhận hàng qua bưu điện theo dạng nhận hàng trả tiền (COD) và không bao giờ nhận được hàng như thỏa thuận.

Xử lý cả người bán lẫn người mua

Theo TS. Phan Anh Tuấn - ĐH Luật TP.HCM, Điều 180 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3-7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3-50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5-12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10-20 năm tù hoặc chung thân. Đối với các đối tượng lập facebook rao bán tiền giả thì có hai trường hợp xảy ra. Nếu các đối tượng này bán tiền giả thì hành vi này cấu thành tội tàng trữ, lưu hành tiền giả (Điều 180 Bộ luật Hình sự). Còn nếu các đối tượng không bán tiền giả mà sử dụng việc này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự”. TS. Tuấn cũng lưu ý nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội lưu hành tiền giả, bất kể lượng tiền giả nhiều hay ít.

Liên quan đến thực trạng mua bán tiền giả, luật sư Trương Xuân Tám cho biết, pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ và nghiêm khắc về việc mua bán tiền giả. Cho dù cá nhân thực hiện hành vi ở bất cứ giai đoạn nào, đã hoàn thành hay chuẩn bị phạm tội, giao dịch mua bán thành công hay không... đều chịu trách nhiệm hình sự. Và dù người mua tiền giả chỉ tàng trữ mà không sử dụng, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện cũng vi phạm Bộ luật Hình sự. Theo luật sư Tám, hiện nay nhiều người đã lợi dụng facebook để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi mua bán tiền giả. Có thể sự hiểu biết pháp luật của những người này còn hạn chế, nhưng cũng có thể do lợi ích từ việc mua bán tiền giả là rất lớn nên đã bất chấp việc phạm pháp. Việc lập facebook cũng khá nhanh chóng, dễ dàng. Mặt khác, các đối tượng thường dùng tên giả trên facebook, giao dịch bằng cách gửi mã thẻ cào, chuyển phát nhanh... nên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đôi khi là giữa các quốc gia cùng tham gia xác minh, điều tra. Để hạn chế nạn mua bán tiền giả, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân. Các đơn vị chủ quản mạng xã hội cũng cần tuân thủ pháp luật, kiểm duyệt chặt chẽ, gỡ bỏ kịp thời những nội dung đăng tải có dấu hiệu trái pháp luật của người dùng.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn