Cảnh giác với diễn biến khó lường bệnh tay - chân - miệng

23-01-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Dù đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm nhưng bệnh tay - chân - miệng (TCM) vẫn luôn là “nhân tố bí ẩn” khi có thể dẫn đến nguy hiểm cho trẻ bất cứ thời điểm nào.

Dù đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm nhưng bệnh tay - chân - miệng (TCM) vẫn luôn là “nhân tố bí ẩn” khi có thể dẫn đến nguy hiểm cho trẻ bất cứ thời điểm nào.

Những năm gần đây, bệnh TCM thường xuất hiện đỉnh dịch vào hai thời điểm trong năm: từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy vậy, ngay đầu năm nay, dù không rơi vào thời điểm đỉnh dịch, nhưng ở một tỉnh phía Nam đã xảy ra ca tử vong đầu tiên do TCM. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm và khó lường của loại bệnh này.

Biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng

Ở các tỉnh phía Bắc, theo ghi nhận tại Hà Nội có khoảng 40 ca mắc bệnh TCM ở 13 quận, huyện với 5 ổ dịch, trong đó ổ dịch tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) có số mắc ban đầu nhiều nhất, với 6 trường hợp. Ngay sau khi ổ dịch TCM xảy ra, Sở Y tế, Trung tâm YTDP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt việc điều tra xác minh ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bệnh nhân; hướng dẫn người dân lau rửa nhà cửa, đồ chơi; tư vấn cho bà mẹ về kỹ năng phòng bệnh cho trẻ, tổng vệ sinh môi trường khu vực; tổ chức tuyên truyền vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và các biện pháp phòng chống bệnh.

Tại Đà Nẵng, ngoài những tháng cao điểm, bệnh TCM xuất hiện rải rác và được đánh giá là loại bệnh lưu hành quanh năm. Theo BS. Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm YTDP Đà Nẵng, thời điểm hiện tại, bệnh TCM vẫn đang được khống chế tốt trên địa bàn thành phố với trung bình dưới 10 ca/tuần. Bệnh này có tỷ lệ người lành mang trùng cao (người lớn mang virut TCM nhưng không có biểu hiện lâm sàng) nên luôn phải cảnh giác, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, tránh tử vong đáng tiếc.

UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm và dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, các hội đoàn thể, bệnh viện, trường học tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh và có kế hoạch cụ thể triển khai các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm và TCM. Cần chú ý đối với địa bàn có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các xã miền núi và những địa bàn hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế.

Trong khi đó, theo Trung tâm YTDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng. Tổng số ca mắc TCM tính đến nửa đầu tháng 1/2015 được ghi nhận là 4.532 ca, tăng hơn 45% so với năm 2013; số ổ dịch phát hiện và xử lý là 203 ổ dịch. TP. Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc chiếm tỷ lệ cao nhất 66%. Năm 2014, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn là địa phương có số ca mắc tính trên 100.000 dân cao nhất khu vực phía Nam. Trong những tuần đầu tháng 1/2015, bệnh TCM ghi nhận cao: 41 trường hợp. Để chủ động phòng bệnh, Trung tâm y tế huyện, thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tăng cường giám sát tại cộng đồng, trường học và nhóm trẻ gia đình, tránh bỏ sót ổ dịch và không để bệnh lan rộng. Tuyên truyền công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.

Thống kê của Cục YTDP, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã ghi nhận 1.551 trẻ mắc bệnh TCM, trong đó đã có một trường hợp tử vong tại tỉnh Hậu Giang. Trước tình hình đó, Cục YTDP cảnh báo, năm nay bệnh TCM được dự báo sẽ diễn biến khó lường vì mầm bệnh đang lưu hành rộng rãi với nhiều týp virut, nếu không duy trì các biện pháp phòng, chống quyết liệt thì dịch có thể quay trở lại. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có vaccin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM và tỷ lệ người lành mang virut gây bệnh này cao đến 71%.

Theo Cục YTDP, TCM là bệnh nhiễm virut cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào mùa đông - xuân và lây truyền theo đường tiêu hóa. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số ít trường hợp có diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm.

Bài và ảnh: Minh Thiện - Thu Hòa

 

 


Ý kiến của bạn