Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.
Bé trai bị biến dạng cột sống, vẹo 66 độ
Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi B.Đ 3 tuổi đến từ Thanh Hóa. Cháu bé được bố mẹ phát hiện có bất thường tại cột sống khi 2 tuổi và đưa đi khám, được chẩn đoán vẹo cột sống ngực - thắt lưng bẩm sinh mức độ lớn do dị tật nửa đốt sống L1.
Theo các bác sĩ cháu bé vẫn đi lại được nhưng cột sống lệch vẹo, cúi ngửa khó khăn, hạn chế vận động do đau lưng. Tình trạng biến dạng cột sống của cháu B.Đ đã ở mức độ nặng, góc vẹo 66 độ; nếu trì hoãn mổ đợi khi cháu được 6 tuổi trở lên, sẽ không thể phẫu thuật nắn chỉnh được vẹo cột sống.
May mắn, ca phẫu thuật diễn ra vào 2 tuần trước thành công. Bệnh nhi hồi phục thuận lợi, hai chân vận động bình thường, đang tập ngồi và đi lại được.
Chú ý rèn cho trẻ tư thế ngồi học đúng để tránh bị cong vẹo cột sống.
Nguyên nhân do đâu?
Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tủy sống, giảm sóc cho bộ não. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống. Một số trẻ em sinh ra đã bị cong hoặc vẹo cột sống bẩm sinh. Một số trẻ em bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc bị mắc các bệnh về thần kinh, bệnh cơ, bị chấn thương, thể trạng kém vì ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương), cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi. Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống.
Cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do ngồi sai tư thế vì bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, chiếu sáng bàn học kém, mang cặp sách quá nặng về một bên vai.
Cách nhận biết sớm
Cong cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức sinh lý bình thường ở đoạn cổ, đoạn ngực hoặc thắt lưng. Khi đoạn cổ bị uốn cong quá mức, đầu sẽ ngả về trước, hai vai chùng xuống và giảm độ cong thắt lưng (tư thế vai so). Nếu đoạn ngực bị uốn cong quá mức về phía sau, lưng tròn, vai thấp, đầu hơi ngả, bụng nhô về phía trước (gọi là tư thế gù). Nếu đoạn thắt lưng bị uốn cong quá mức về phía trước, bụng sệ, phần trên của thân hơi ngả về phía sau (gọi là tư thế ưỡn).
Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong sang bên phải hoặc bên trái. Khi bị vẹo cột sống, nếu đỉnh đường cong hướng về bên phải thì cột sống có hình chữ C ngược, nếu đỉnh đường cong hướng về bên trái thì cột sống có hình chữ C thuận. Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau thì nó sẽ có hình chữ S thuận hoặc chữ S ngược (còn gọi là vẹo cột sống bù trừ).
Trong trường hợp bị vẹo cột sống, có thể nhìn thấy những bất thường như: các gai đốt sống không thẳng hàng; hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; 2 tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; mào chậu bên thấp bên cao; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoáy vặn, xương sườn lồi lên.
Tạo thói quen ngồi đúng để phòng ngừa
Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.
Cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin.
Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng.
Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời. Ngoài ra, khi thấy những biểu hiện bất thường của bé, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được khám và kiểm tra để được tư vấn cụ thể.