Hà Nội

Cảnh giác với cơn thiếu máu não thoáng qua

20-12-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Cơn thiếu máu não thoáng qua (TMNTQ) thực chất là cơn tai biến mạch máu não hồi phục nhanh, thời gian hồi phục từ vài phút đến vài giờ...

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TMNTQ) thực chất là cơn tai biến mạch máu não hồi phục nhanh, thời gian hồi phục từ vài phút đến vài giờ, tối đa là một ngày và không để lại dấu hiệu yếu liệt. Cơn TMNTQ được xem là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của đột quỵ. Khoảng 40% người từng TMNTQ sẽ gặp phải một cơn đột quỵ. Việc phòng ngừa TMNTQ và nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ là hết sức quan trọng và cần thiết.

Thiếu máu não thoáng qua là cơn tai biến mạch máu não nhanh hồi phục.

TMNTQ là tình trạng lưu lượng máu lên não giảm nên không cung cấp đủ ôxy và dưỡng chất cần thiết cho một số vùng của não. Cơn TMNTQ thường xảy ra đột ngột trong khoảng thời gian ngắn do sự lưu thông của máu trong động mạch bị giảm vì động mạch bị hẹp, bị co thắt hoặc bị tắc nghẽn do một cục máu đông từ tim hay một mảng vữa xơ từ động mạch lớn lưu thông đến một mạch máu nhỏ ở não. Những trường hợp tắc nghẽn này rất dễ xảy ra vì hệ thống mạch máu não phần lớn là mạch máu tận, rất nhỏ và dễ bị tổn thương.

Có nhiều yếu tố dẫn đến TMNTQ, đó là: di truyền, những người có cha mẹ bị bệnh tim mạch dễ bị cơn TMNTQ; người trên 55 tuổi. Ở nam, cơn TMNTQ gặp nhiều hơn nữ. Những đối tượng nguy cơ cao mắc TMNTQ là người béo phì, người mắc các bệnh như: tăng huyết áp, bệnh van tim, suy tim, đái tháo đường, cholesterol máu cao, hút thuốc lá, sử dụng ma túy...

Biểu hiện của TMNTQ

Mỗi vùng của não được nuôi dưỡng bằng một mạch máu riêng, nếu các mạch máu này bị hẹp hoặc bị bít tắc, làm giảm sự tưới máu cho phần não mà mạch máu chi phối sẽ gây rối loạn chức năng của vùng não đó. Hơn nữa, mỗi phần của não lại chi phối một bộ phận của cơ thể: về vận động, cảm giác, về ngôn ngữ, về 6 giác quan... Vì vậy, khi một vùng não bị tổn thương sẽ xuất hiện triệu chứng ở cơ thể mà vùng não chi phối như: vùng vận động của não bị tổn thương thì bệnh nhân bị liệt; vùng ngôn ngữ bị tổn thương thì bệnh nhân nói ngọng hoặc không nói được nữa... Tùy vào mức độ thiếu máu và chức năng của các tế bào não mà mạch máu đó nuôi dưỡng, cơ thể sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau như yếu liệt tay chân, méo miệng, khó nói, nói đớ, tê nửa người, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt... Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như giảm khả năng tập trung, các trục trặc về trí nhớ cho đến những triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn nhận biết, mất trí nhớ kiểu Alzheimer...

Não là tổ chức tiêu thụ nhiều ôxy nhất khi hoạt động và rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy. Nếu thiếu dưỡng khí trong 4 - 5 phút, các tế bào não đã bị hủy hoại không phục hồi được nữa. Nếu sự tưới máu chỉ giảm trong một thời gian ngắn chưa làm chết các tế vào thần kinh thì triệu chứng chỉ thoáng qua. Trường hợp mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn thì các tế bào thần kinh bị tổn thương vĩnh viễn, các triệu chứng trở thành di chứng vĩnh viễn của tai biến mạch máu não. Trong một vài trường hợp, cơn TMNTQ diễn biến từ từ, một số lại tiến triển rất nhanh. Tai biến mạch máu não thường dài hơn cơn TMNTQ, phản ánh tình trạng tổn thương vĩnh viễn và rất nặng.

TMNTQ xuất hiện khá phổ biến, nhưng không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Nhiều người TMNTQ, sau một hai lần không nguy cơ. Đến khi bị tai biến thật sự thì đã trễ. Dấu hiệu của cơn TMNTQ xuất hiện đột ngột khi bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường như: bất tỉnh, nhức đầu, yếu nhẹ hoặc liệt nửa người, nói ngọng hay không nói được, một mắt hoặc cả hai mắt bỗng không nhìn thấy, tự nhiên mất thăng bằng, chóng mặt, đi hay đứng không vững... Các dấu hiệu trên chỉ kéo dài khoảng 1 - 10 phút, hiếm khi kéo dài quá 1 giờ. Khi triệu chứng kéo dài quá 1 giờ được xem như bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, khi đó não đã bị tổn thương vĩnh viễn.

Xử trí khi bị TMNTQ

Mặc dù cơn TMNTQ thường chỉ kéo dài vài phút, sau đó sẽ hết nhưng tình trạng này nên được đánh giá như một cấp cứu khẩn cấp về tai biến mạch máu não để cố gắng ngăn ngừa sự tái phát. Cơn TMNTQ có thể xảy ra một hoặc nhiều lần, dẫn đến tai biến mạch máu não thực sự. Khi cơn TMNTQ mới xảy ra, người bệnh cần được ở trong tình trạng nghỉ ngơi (nằm trên mặt phẳng sao cho máu đến não dễ dàng nhất). Không nên hoạt động mạnh hay có cảm xúc mạnh để phòng ngừa tai biến mạch máu não thực sự. Sau đó, cần gọi cấp cứu hay chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám, làm các xét nghiệm để loại trừ tai biến mạch máu não và điều trị khẩn cấp. Việc xử lý, thăm khám và điều trị giải quyết cục máu đông chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất trong 3 - 4 giờ đầu. Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn trong vài phút hay trong khoảng một giờ. Nhưng cần lưu ý rằng bệnh nhân có thể bị tái phát nhiều lần và dẫn tới tai biến mạch máu não với các biểu hiện hôn mê và liệt nửa người vĩnh viễn, thậm chí có thể tử vong.

Lưu ý, không được cho người bệnh bị TMNTQ dùng các loại thuốc như chống đông máu, hạ huyết áp nhanh chóng... Bệnh nhân cần được thăm khám cẩn thận và chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vì nếu tự ý dùng thuốc rất có thể sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Các biện pháp phòng bệnh

Muốn giảm nguy cơ thiếu máu não cũng như các bệnh lý mạch máu não khác, mỗi người cần có chiến lược phòng bệnh cho mình ngay từ sớm. Nên bắt đầu bằng một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, nhiều chất xơ, giảm mỡ, đường, muối... Nên ăn nhiều rau xanh, quả tươi, hạn chế uống các chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Tuyệt đối không nên hút thuốc lá. Đây là căn nguyên của không chỉ tai biến mạch máu não mà còn dẫn đến các bệnh mạn tính nguy hiểm khác như ung thư, tim mạch... Bên cạnh đó, nên tăng cường các chất chống gốc tự do trong khẩu phần ăn hoặc sử dụng các dạng bổ sung khác để ngăn chặn quá trình tổn thương thành mạch máu.

Cần duy trì chế độ ăn uống và vận động khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: điều trị tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, loạn nhịp tim... Tập luyện thể dục thể thao hằng ngày cũng là một biện pháp quan trọng giảm rất nhiều nguy cơ gây bệnh.

BS. Linh Chi

 

 


Ý kiến của bạn