Tại BV Sản Nhi Bắc Giang, các bác sĩ nhận thấy thai phụ Hiện đau bụng liên tục, tăng trương lực cơ tử cung, bụng co cứng nhưng không có dấu hiệu ra huyết âm đạo, cổ tử cung vẫn đóng kín, tim thai dao động từ 150 - 170 lần/phút. Nghi ngờ có bất thường về thai nhi, chị Hiện được chỉ định siêu âm cấp cứu tại Khoa Đẻ.
Trên hình ảnh siêu âm bác sĩ phát hiện có hình ảnh khối máu tụ sau bánh rau kích thước 41x80mm, tim thai vẫn còn. Kíp trực đã tiến hành hội chẩn cấp cứu và thống nhất chẩn đoán sản phụ Hiện bị rau bong non và chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy thai.

Sản phụ sau phẫu thuật Ảnh: Hiền Chúc
Với sự phối hợp nhịp nhàng của ê kíp bác sĩ khoa Sản II và gây mê hồi sức kíp phẫu thuật đã đón 1 bé trai với cân nặng 2,2kg, khóc tốt. Do sinh non tháng, bé được chuyển sang Khoa Sơ sinh - BV Sản Nhi Bắc Giang để bác sĩ chăm sóc.
Tiếp tục phẫu thuật, kíp mổ nhận thấy tình trạng bánh rau có khối máu tụ mặt sau khoảng 200gram cùng với máu đỏ tươi trong buồng tử cung chảy ra, cơ tử cung bầm tím tụ máu, tử cung co hồi kém.
Đánh giá có nguy cơ chảy máu do rối loạn đông máu, kíp mổ chỉ định truyền máu và huyết tương cho sản phụ đồng thời sử dụng các thuốc co hồi tử cung để cơ tử cung co hồi cầm máu. Sau 5 phút sử dụng các biện pháp tăng co, cơ tử cung đã hồng trở lại và co chặt cầm máu, bảo tồn thành công tử cung cho sản phụ.
BSCKII Hán Mạnh Cường - Trưởng Khoa Sản II, BV Sản Nhi Bắc Giang cho biết, với những trường hợp rau bong non không có biểu hiện đặc trưng như sản phụ Hiện, bác sĩ cần có kinh nghiệm để chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng xử trí kịp thời, nếu chậm trễ không những không thể cứu thai nhi mà người mẹ cũng có nguy cơ phải cắt tử cung. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như tâm sinh lý của người phụ nữ".
Rau bong non là tình trạng rau bong trước khi sổ thai, nguyên nhân có thể do chấn thương, biến chứng của tiền sản giật nặng, Hội chứng Hellp.
Dựa trên biểu hiện lâm sàng, rau bong non được phân thành 4 mức độ: Rau bong non thể ẩn, rau bong non thể nhẹ, rau bong non thể trung bình và rau bong non thể nặng (phong huyết tử cung rau).
BSCKII Hán Mạnh Cường thông tin, các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa giúp giảm thiểu nguy cơ rau bong non bao gồm: Không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, hạn chế sử dụng caffeine trong suốt thai kỳ. Nếu không may gặp chấn thương do tai nạn, ngã hoặc va đập mạnh vào vùng bụng, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên ngành sản khoa để được thăm khám kịp thời.
Hãy thông báo với bác sĩ sản khoa về sức khỏe của bản thân, đặc biệt là tình trạng tăng huyết áp mạn tính. Nếu từng có tiền sử rau bong non, cần tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để được lên kế hoạch, chuẩn bị thật tốt nhằm giảm thiểu nguy cơ rau bong non ở lần mang thai tiếp theo.
Phụ nữ mang thai cần đi khám thai định kỳ thường xuyên, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Không chỉ là siêu âm đơn thuần mà thai phụ cần phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu khi cần thiết, cũng như tư vấn về dinh dưỡng... để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường như phù, tăng cân nhiều, đau đầu, mờ mắt, mệt mỏi chán ăn… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe của mẹ và thai nhi.