Hà Nội

Cảnh giác với chấn thương thận ở trẻ sau té ngã

13-08-2021 13:18 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Bất cẩn trong lúc chơi đùa, trẻ có thể té ngã cầu thang, va đập mạnh. Đã có nhiều trường hợp trẻ sau cú ngã đó vẫn tỉnh táo nên cha mẹ chủ quan bỏ qua các biểu hiện trẻ đau liên tục vùng hông lưng phải hoặc nôn ói.

Chấn thương thận là tình trạng thận bị tổn thương bởi bị lực va chạm từ bên ngoài tác động ngược chiều với lực bên trong của thận (máu và nước tiểu).

 Chấn thương thận ở trẻ em chiếm tỉ lệ khoảng 1-5% trường hợp chấn thương, thường gặp ở bé trai nhiều hơn. Có đến 90-95% chấn thương thận do bị ngã và va đập mạnh, thường là do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt, chơi thể thao…

Khác với người lớn, chấn thương thận ở trẻ có thể liên quan đến các yếu tố bất thường bẩm sinh ở thận như: Thận nước, thận móng ngựa, thận lạc chỗ, u nguyên bào thận…

Nhận biết dấu hiệu của chấn thương thận

 Sau khi chấn thương, các bé thấy đau vùng thắt lưng, đau tăng dần sau chấn thương. Chướng bụng, nôn, tiểu tiện ra máu, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ đậm (trường hợp nặng có máu cục máu đông trong bàng quang gây tiểu khó).

Dấu hiệu này rất có giá trị để bác sĩ đánh giá và tiên lượng mức độ chấn thương thận. Vì vậy cha mẹ hãy theo dõi nước tiểu của trẻ.

Tình trạng nhiễm trùng: Sốt, đau tức vùng hạ sườn (nếu trẻ đến muộn) do khối máu tụ hoặc nước tiểu bị rỉ ra. Khối căng vùng mạn sườn thắt lưng do máu tụ đẩy lên. Các tổn thương phối hợp gãy xương, vỡ bàng quang, rách da…

Ngoài ra trẻ có dấu hiệu: Choáng, da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt là biểu hiện nặng nề nhất khi trẻ bị chấn thương vỡ thận.

Cảnh giác với chấn thương thận ở trẻ - Ảnh 1.

Chấn thương thận ở trẻ.

Do dịch COVID -19 giãn cách, trẻ được nghỉ học ở nhà, vì vậy trẻ cần phải thận trọng với những tai nạn dễ xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Đa số (75%) chấn thương thận ở trẻ là thể nhẹ (độ I), tỉ lệ còn lại là do chấn thương ở những mức độ khác nhau và các bất thường ở thận.

Các mức độ tổn thương:

Độ 1: Đụng dập thận (tổn thương đụng dập tụ máu nông vùng vỏ dưới bao thận)

Độ 2 : Dập thận nhẹ (tổn thương dập vùng vỏ chưa đến vùng tủy thận )

Độ 3 : Dập thận nặng (tổn thương dập vùng vỏ lan tới vùng tủy thận, kèm theo rách đài bể thận)

Độ 4 : Vỡ thận (thận vỡ thành 2 hay nhiều mảnh)

Độ 5 : Tổn thương cuống thận.

Cảnh giác với chấn thương thận ở trẻ sau té ngã - Ảnh 3.

Mức độ phân loại chấn thương thận.

Cha mẹ cần làm gì?

Sau khi nghi ngờ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.

Có thể dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, cầm máu, lợi tiểu… Phẫu thuật (tùy mức độ cụ thể). Hoặc điều trị các tổn thương phối hợp khác.

Bệnh nhân điều trị chấn thương, nếu diễn tiến thuận lợi, mạch, huyết áp ổn định, hết tiểu ra máu, khối máu tụ nhỏ dần, không sốt, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng, các tổn thương phối hợp ổn định… thì bệnh nhân có thể được xuất viện.

Cảnh giác với chấn thương thận ở trẻ - Ảnh 4.

Nhiều trẻ bị chấn thương thận do tai nạn trong sinh hoạt

Khi về nhà, cần lưu ý cho trẻ nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh, chạy nhảy trong 3 tháng sau chấn thương. Chế độ ăn uống cần chú ý ăn lỏng, dễ tiêu, nhiều chất xơ, ăn hoa quả, uống nhiều nước để tránh táo bón, 3 ngày chưa đi ngoài thì phải đi khám bác sĩ để dùng thuốc thụt hậu môn

Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường như: Bụng chướng, đau bụng tăng lên, tiểu tiện ra máu, sốt… cần đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Lưu ý, trong vòng 3 tháng đầu sau khi xuất viện, mỗi tháng bệnh nhân phải đến bệnh viện để theo dõi: Hình ảnh học, phân tích nước tiểu, chức năng thận, huyết áp… nhằm phát hiện các biến chứng muộn của chấn thương thận.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lối sống lành mạnh


BS. Dương Văn
Ý kiến của bạn