Hà Nội

Cảnh giác với chấn thương cơ hoành

06-02-2013 09:38 | Bệnh thường gặp
google news

Một chấn thương ở vùng ngực, bụng có thể dẫn đến thủng, vỡ, thoát vị cơ hoành.

Một chấn thương ở vùng ngực, bụng có thể dẫn đến thủng, vỡ, thoát vị cơ hoành. Chấn thương có thể gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đánh nhau... Sắp đến các dịp nghỉ lễ, Tết, số người tham gia giao thông tăng cao, mọi người cần cảnh giác đề phòng tai nạn giao thông gây chấn thương cơ hoành, đồng thời phải nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời.

Thủng cơ hoành do vết thương

Vết thương vào lồng ngực từ liên sườn IV trở xuống đều có thể gây thủng cơ hoành và tạo nên vết thương ngực - bụng; nếu lỗ vết thương có đường kính lớn hơn 1,5cm thì các tạng trong ổ bụng có thể chui qua lỗ vết thương lên khoang màng phổi.

Cảnh giác với chấn thương cơ hoành 1
 Phẫu thuật điều trị vỡ cơ hoành do chấn thương.

Một bệnh nhân bị thủng cơ hoành có thể thấy các dấu hiệu: đau vùng mũi ức; vết thương ngực - bụng gây thủng cơ hoành có thể thấy dịch tiêu hóa, dịch mật, mạc nối, quai ruột... ở lỗ vết thương thành ngực; khi các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ thủng cơ hoành vào lồng ngực gây chèn ép các tạng trong lồng ngực, có thể bị ngạt thở cấp, tím tái, loạn nhịp tim... kèm theo có thể có các triệu chứng tắc ruột do bị nghẹt các quai ruột ở lỗ thủng cơ hoành nhiều trường hợp các triệu chứng thường không rõ ràng, chẩn đoán cần dựa vào phán đoán đường đi của vết thương.

Vấn đề cơ bản trong vết thương cơ hoành là có tổn thương cả ở ngực và ở bụng, trong đó các tổn thương ở bụng thường là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Vì vậy, thường chỉ định mở ổ bụng thăm dò, xử lý các tổn thương trong ổ bụng, đồng thời khâu đóng lại lỗ thủng cơ hoành. Trường hợp mở ổ bụng thăm dò khi nghi vết thương ngực - bụng, cần phải gây mê nội khí quản để tránh biến chứng phổi bị ép do không khí tràn vào màng phổi qua lỗ thủng cơ hoành khi mở bụng.

Vỡ cơ hoành

Có thể gặp vỡ cơ hoành trong chấn thương bụng kín, thường phải là một chấn thương mạnh làm áp lực ổ bụng tăng cao đột ngột, vòm hoành bị căng lên và vỡ. Thường thấy vỡ cơ hoành bên trái, cơ hoành bên phải ít bị vỡ do được gan che chở. Chấn thương ngực kín cũng có thể gây vỡ cơ hoành nhưng ít gặp hơn. Qua chỗ rách cơ hoành, các tạng trong ổ bụng có thể chui lên lồng ngực ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương một thời gian, gây nên thoát vị cơ hoành do chấn thương. Do rách cơ hoành thường xảy ra sau một chấn thương mạnh nên nó thường kèm theo nhiều tổn thương khác ở ổ bụng và lồng ngực, làm cho việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cảnh giác với chấn thương cơ hoành 2
Sơ đồ vị trí giải phẫu cơ hoành.
 

Triệu chứng rách cơ hoành thường rất khó được chẩn đoán xác định ngay từ đầu, phần lớn là được phát hiện ra khi mổ cấp cứu để xử trí các tổn thương ở bụng hoặc ở ngực. Khi có các tạng ổ bụng chui qua lỗ rách cơ hoành vào lồng ngực, có thể thấy các triệu chứng chèn ép trung thất như: khó thở, đau tức bên vùng ngực tổn thương, loạn nhịp tim, tím tái, sốc... Có thể có triệu chứng tắc ruột do quai ruột bị nghẹt ở vết rách cơ hoành khi chúng chui vào lồng ngực. Chụp phim Xquang dạ dày - ruột có uống thuốc cản quang để xác định tạng chui vào lồng ngực, có thể bơm khí ổ bụng để chụp sẽ thấy khí tràn vào khoang màng phổi.

Mọi trường hợp rách cơ hoành đều phải mổ, khâu vết rách cơ hoành. Nếu vết rách rộng có thể phải vá lại bằng các vật liệu nhân tạo. Trường hợp nghi ngờ có tổn thương ổ bụng thì phải mở ổ bụng để xử trí các tổn thương, đồng thời khâu lại vết rách cơ hoành. Nếu chỉ rách cơ hoành đơn thuần thì có thể mở ngực để khâu vết rách vì dễ khâu hơn so với mổ đường bụng.

Thoát vị cơ hoành

Là sự di chuyển của các tạng ở ổ bụng lên lồng ngực qua lỗ thoát vị ở cơ hoành. Thoát vị cơ hoành do chấn thương: có thể xảy ra ngay sau chấn thương, nhưng  thường sau chấn thương một thời gian. Lúc đầu chỗ tổn thương có thể còn nhỏ nên chưa có thoát vị, sau đó do các tạng trong ổ bụng liên tục thúc vào làm giãn rộng dần chỗ tổn thương và qua đó các tạng chui vào lồng ngực, tạo thành thoát vị. Thường gặp thoát vị cơ hoành bên trái vì bên phải được gan che chở. Tạng thoát vị có thể là dạ dày, đại tràng, mạc nối, tiểu tràng, lách, gan... Tạng thoát vị thường dính chặt vào lỗ thoát vị và các cơ quan trong lồng ngực như màng tim, màng phổi...

Triệu chứng điển hình thường là đau vùng thượng vị hoặc đau một bên ngực lan lên vùng bả vai cùng bên; có tiếng nhu động ruột ở cao trên lồng ngực; có thể có triệu chứng tắc ruột do ruột bị nghẹt ở lỗ thoát vị. Chụp Xquang thường có thể thấy bóng hơi dạ dày lên cao trên lồng ngực, hoặc các khoang nhỏ có mức hơi mức nước trên nền vân phổi do các quai ruột thoát vị lên lồng ngực. Khi cần có thể chụp dạ dày - ruột có uống thuốc cản quang để xác định chính xác các tạng thoát vị lên lồng ngực. Triệu chứng về tuần hoàn và hô hấp: khó thở tăng lên khi nằm; có khi khó thở nặng, tím tái do thoát vị quá lớn gây chèn ép nặng trung thất, tim và phổi; tim bị đẩy sang bên lành.

Cần chỉ định mổ sớm, nếu thoát vị cơ hoành sau chấn thương đã lâu thì nên mổ theo đường ngực để thuận tiện cho việc gỡ dính các tạng thoát vị và tái tạo cơ hoành. Nếu là thoát vị mới thì có thể mổ theo đường bụng vì các tạng thoát vị còn chưa bị dính nhiều, dễ di động và đưa trở lại ổ bụng. Gây mê nội khí quản để dễ dàng đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng, khâu lại lỗ thoát vị bằng chỉ không tiêu. Nếu lỗ thoát vị quá lớn thì phải thực hiện phẫu thuật tạo hình lại cơ hoành.

BS. Trần Văn Phong


Ý kiến của bạn