Cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm Whitmore

10-10-2016 15:25 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bs. Hoàng Quang Trung – Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân bị mắc căn bệnh nguy hiểm Whitmore. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm bởi khó phát hiện, tỷ lệ tử vong cao và điều trị kéo dài. Hà Tĩnh cũng là một trong 7 tỉnh có số lượng bệnh nhân bị Whitmore đứng đầu trong cả nước.

Em Bùi Đức Sáng – 6 tuổi ở Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên bị nổi 2 mụn nhỏ bên mang tai. Người nhà đưa em đến bác sỹ tư điều trị. Tuy nhiên sau 2 tuần điều trị vẫn không khỏi. Em được đưa vào điều trị tại Khoa Răng – hàm – mặt bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau hơn 1 tuần điều trị, em bị sốt, tuyến mang tai sưng to, nóng, đỏ, đau có mủ. Em được chuyển xuống khoa Truyền nhiễm và được tiến hành phẫu thuật lấy mủ bên tuyến mang tai. Các bác sỹ cũng đã lấy mủ, máu, nuôi cấy và phân lập vi khuẩn tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm, em bị mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra.

Bệnh nhân Sáng được bác sĩ kiểm tra sức khoẻ.

Chị Dương Thị Thủy 27 tuổi ở Đồng Xuân – Thạch Xuân – Thạch Hà cũng là một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện tỉnh, chị cho biết: Chị phát hiện bị bệnh Whitmore từ năm 2015. Chị đã điều trị tại các bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Thủ Đức nhưng do không tuân thủ liệu trình điều trị nên cứ khỏi rồi bị lại. Lần này bị nổi áp xe khắp người. Chị đã đến bệnh viện Đa khoa Thạch Hà để điều trị và tại đây chị được điều trị viêm đa khớp. Qua 11 ngày không đỡ chị được chuyển vào bệnh viện tỉnh. Sau khi xét nghiệm có kết quả bị bệnh do vi khuẩn whitmore, chị được điều trị theo phác đồ và hiện đã đỡ hơn rất nhiều.

Bs. Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore hiện nay là từ khoảng 40% đến 60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh. Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc Whitmore.

Chị Thuỷ bị nổi các cục áp xe khắp người.

Điều khó khăn hiện nay là bệnh Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hồi sức tích cực, hô hấp... do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như: viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Cách duy nhất phát hiện bệnh là làm xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc mủ của bệnh nhân để phân lập tìm vi khuẩn. Hiện nay, bệnh viện đa khoa tỉnh đã làm khá tốt công tác xét nghiệm này góp phần phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Bác sỹ Bảo cho biết thêm, bệnh này phát hiện khó, quá trình điều trị bệnh Whitmore cũng hết sức khó khăn vì bệnh nhân phải dùng kháng sinh, tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, dẫn đến người bệnh sức khỏe suy kiệt dần.

Theo bác sỹ Bảo,nếu người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm bệnh Whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu... Biểu hiện này xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hoặc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp với đất. Do đó, đối với người nhiễm bệnh, nếu có bệnh cảnh và các triệu chứng kể như trên thì phải đến ngay các bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị bệnh.

Hiện tại bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi khuẩn gây bệnh có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn, hoặc mũi hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Cách dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp; phòng hộ trong lao động; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn.




Thu Hòa
Ý kiến của bạn