Hà Nội

Cảnh giác với bệnh xoắn tinh hoàn ở nam thiếu niên

22-02-2017 14:18 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết các bác sỹ Khoa Ngoại tổng hợp vừa phẫu thuật giải phẫu cắt bỏ tinh hoàn trái cho bệnh nhân Nguyễn Huy A.T., 15 tuổi, trú tại xã Thạch Bình, Thành phố Hà Tĩnh.

Theo người nhà của bệnh nhân T, cách đây 1 tuần T cảm thấy đau nhẹ ở bìu bên trái mà không hề bị chấn thương hoặc côn trùng cắn, mức độ đau ngày càng tăng. T. đã được người nhà đưa đi khám bệnh tại Trạm Y tế xã Thạch Bình được nhân viên y tế cho uống 2 viên thuốc giảm đau và có đỡ nên gia đình đưa cháu về nhà.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau cháu T lại xuất hiện đau đột ngột vùng bìu và được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra. Tại đây sau khi thăm khám, siêu âm các bác sỹ chẩn đoán cháu bị xoắn tinh hoàn trái và được chỉ định mổ cấp cứu. Khi mổ ra cho thấy tinh hoàn trái của bệnh nhân đã bị tím đen, tiết nhiều dịch, xoắn 2 vòng, các bác sỹ đã tiến hành tháo xoắn, ủ ấm, phong bế, đồng thời theo dõi 20 phút nhưng tinh hoàn trái vẫn tím đen không phục hồi, các bác sỹ quyết định cắt bỏ tinh hoàn trái cho bệnh nhân.

Bác sỹ Phan Văn Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân T cho biết: đối với trường hợp bệnh nhân này vẫn còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tinh hoàn còn lại, do vậy chúng tôi đã tiến hành cố định tinh hoàn phải bằng cách khâu cố định để tránh nguy cơ xoắn.

Bác sỹ Hùng cho biết: xoắn tinh hoàn có hai loại: Xoắn tinh hoàn trong tinh mạc (bìu chứa tinh hoàn), thường gặp ở trẻ dậy thì và xoắn ngoài tinh mạc thường gặp khi trẻ trong bào thai hay sơ sinh. Dù xoắn tinh hoàn trong trường hợp nào đi chăng nữa nó cũng sẽ gây tắc nghẽn sự tưới máu, thiếu máu cục bộ xảy ra khi vòng xoắn đủ gây tắc nghẽn lưu thông máu, sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Đối với xoắn tinh hoàn trong tinh mạc, thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì, biểu hiện là đau đột ngột vùng bìu, buồn nôn và ói. Qua thăm khám thấy bìu bị kéo lên cao và mất phản xạ da bìu. Da bìu, giai đoạn sớm có thể bình thường, trễ hơn thì sưng nề, đỏ. Khi sờ thấy đau và đặc biệt vẫn còn đau khi nằm nghỉ, thậm chí khi lấy tay nâng tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn ngoài tinh mạc thường gặp ở trẻ sơ sinh do khiếm khuyết cố định tinh hoàn (chiếm 10%). Dạng này có thể gặp trước hoặc sau khi trẻ ra đời. Các yếu tố gây bệnh như sinh khó, ngôi mông, nặng ký, phản xạ da bìu quá mức. Nếu xoắn tinh hoàn xảy ra trước sinh vài tuần thì sau sinh sẽ xuất hiện các dấu hiệu như có thể tinh hoàn teo nhỏ, vôi hóa hoặc không sờ thấy tinh hoàn. Trường hợp thai nhi bị xoắn vài ngày trước sinh sẽ có các dấu hiệu nhận biết như bìu sưng, tinh hoàn to, không đau. Trường hợp bị xoắn tinh hoàn vài giờ trước sinh hoặc ngay sau khi sinh ra sẽ thấy bìu sưng đỏ, đau, tinh hoàn to.

Việc chẩn đoán đúng xoắn tinh hoàn rất quan trọng nhằm can thiệp phẫu thuật sớm để hy vọng cứu được tinh hoàn mặc dù tỉ lệ rất thấp (40-50 %), đồng thời bảo vệ tinh hoàn còn lại. Do vậy đối với các trường hợp đau ở vùng bìu, tinh hoàn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải cảnh giác với hiện tượng xoắn tinh hoàn để có thái độ chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì nếu phát hiện ngay từ đầu thì các bác sỹ có thể thaois xoắn bằng tay để tránh nguy cơ hoại tử đáng tiếc ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và sinh sản sau này.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Tuổi: thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi.

Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm không cần điều trị vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.

Thời tiết: xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.

Bất thường bẩm sinh: bất thường quả lắc chuông (Bell clapper deformity) dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh, gây tắc tĩnh mạch và tụ máu, với hệ quả là thiếu máu động mạch và hoại tử tinh hoàn.

Tuấn Dũng
Ý kiến của bạn