LTS: Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Từ ngày 17/9 đến nay, tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã có 9 người mắc bệnh than. Để giúp bạn đọc biết cách phát hiện, phòng chống bệnh than, báo Sức khỏe&Đời sống giới thiệu bài viết sau đây.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Giang cho biết: từ ngày 11/9, ở thôn Cốc Pại, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc có 1 con bò và 1 con dê chết. Do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên người dân ở đây đã đem giết mổ và ăn thịt 2 con vật này với 13 hộ gia đình gồm 57 khẩu tham gia. Từ ngày 17/9 đến 9/10, Trung tâm y tế huyện Mèo Vạc đã ghi nhận 9 người mắc bệnh than thể da. Mấy năm gần đây, ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác có các trường hợp mắc bệnh than. Để chủ động và tăng cường phòng chống bệnh than, ngày 15/10, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Nội khẩn trương chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh than.
Các đường lây của bệnh than.
Vi khuẩn than gây bệnh thế nào?
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn than (Bacillus anthrasis) gây ra. Ngoài môi trường, trực khuẩn than (TKT) tạo bào tử rất bền vững có thể tồn tại trong đất 5 - 10 năm. Tuy nhiên, bào tử của TKT dễ bị tiêu diệt trong nước đun sôi 10 phút hoặc bị diệt bởi thuốc tím, nước ôxy già hay formaldehyd loãng. Động vật ăn cỏ bị bệnh do ăn phải thức ăn có nhiễm bào tử của TKT. Động vật mắc bệnh thường nặng và tỷ lệ tử vong cao. Do nhiễm khuẩn máu, động vật bị xuất huyết từ mũi, miệng và đường tiêu hóa, cùng với xác chết của động vật bị nhiễm bệnh làm ô nhiễm vào đất và nước. Bệnh than thường xảy ra đối với những người làm công việc chăn nuôi và giết thịt động vật, công nhân chế biến da, lông thú, nhân viên thú y... Bệnh lây truyền qua da khi tiếp xúc với xác của động vật (bò, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; hoặc do hít phải bào tử vi khuẩn, hay ăn phải thịt động vật bị bệnh than. Thời gian ủ bệnh chỉ từ một vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các ca bệnh xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc.
Tại các vùng lũ lụt do môi trường đất và nước bị ô nhiễm, vi khuẩn than khuếch tán ra nhiều nơi nên nguy cơ mắc bệnh cao, bà con cần cảnh giác đề phòng.
Cách phát hiện bệnh than
Bệnh than có các thể bệnh da, hô hấp, tiêu hóa, thể hầu họng.
Bệnh thể da: Sau khi nhiễm khuẩn, bệnh nhân xuất hiện một số nốt sần đỏ trong da; tuần tiếp theo, tổn thương tiến triển qua các giai đoạn mụn, phồng nước hoặc bọng nước và tạo thành vết loét có vảy hoại tử màu đen, xung quanh vết loét bao bọc bởi vùng phù nề rộng, màu nâu. Ở giai đoạn đầu gây ngứa, ở giai đoạn toàn phát thì gây đau. Viêm hạch ở các vùng lân cận của vết loét da gây đau. Hầu hết bệnh nhân không có sốt, ít hay không có dấu hiệu toàn thân. Chỉ những ca bệnh nặng có phù kèm theo sốc. Vết loét tự liền sẹo trong 80 - 90% trường hợp dù có hay không điều trị, nhưng phù nề vẫn kéo dài trong vài tuần. Nếu không điều trị kịp thời, có khoảng 10 - 20% bệnh nhân tiến triển nặng dần dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốt cao và tử vong rất nhanh.
Bệnh thể hô hấp: Nếu các bào tử TKT thâm nhập thẳng vào phế nang hoặc các ống phế nang, chúng bị các đại thực bào phế nang tiêu diệt. Nhưng cũng có số ít vi khuẩn đến các hạch trung thất và phát triển nhanh chóng gây hoại tử chảy máu hạch, viêm trung thất chảy máu, nhiễm TKT nặng trong máu. Giai đoạn cấp tính với các biểu hiện: sốt tăng dần, khó thở, thở rít, thiếu ôxy và tụt huyết áp, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 giờ. Chụp phim Xquang thấy hình ảnh đặc trưng của viêm trung thất xuất huyết là giãn rộng cân đối vùng trung thất, giúp chẩn đoán sớm bệnh than thể hô hấp.
Bệnh thể tiêu hóa: Nếu người ăn thịt động vật bị bệnh nấu chưa chín kỹ sẽ bị mắc bệnh. Triệu chứng rất đa dạng gồm: sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy ra máu, có thể phát triển nhanh chóng thành cổ trướng.
Bệnh than thể hầu họng: Có các triệu chứng chính là sốt, đau họng, nuốt khó, viêm đau hạch vùng chung quanh, nhiễm độc máu, có thể rối loạn hô hấp.
Điều trị không khó
Dùng thuốc penicillin có tác dụng diệt hầu hết các chủng TKT nên việc điều trị có nhiều thuận lợi. Đối với người dị ứng với penicillin, có thể dùng các thuốc khác thay thế là: ciprofloxacin, erythromycin, tetracylin hoặc chloramphenicol. Những ca bệnh nặng có thể dùng kháng độc tố bệnh than kết hợp với kháng sinh.
Biện pháp phòng bệnh
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng nhân dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh than như sau: không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh hoặc đã chết. Tiêu hủy gia súc mắc bệnh và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y. Những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật cần đi ủng, đeo găng tay cao su, mặc quần dài và áo dài tay. Tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc chết hoặc thịt gia súc. Sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và vùng da hở bằng xà phòng dưới vòi nước. Những nơi có ổ bệnh xảy ra, cần triển khai phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý chất thải của gia súc và chất thải người bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y và y tế. Khi có người có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.
BS. Phạm Văn Thân