Cảnh giác với bệnh thần kinh ngoại biên

06-11-2018 15:10 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh thần kinh đái tháo đường liên quan tới việc kiểm soát đường huyết, đặc điểm lâm sàng đa dạng vì vậy việc chẩn đoán cần dựa vào sự phân loại tổn thương thần kinh.

Bệnh thần kinh đái tháo đường được phân làm 2 loại chính: Nhóm bệnh lý thần kinh ngoại biên và nhóm bệnh lý thần kinh tự động. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới bệnh thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân đái tháo đường.

Các bệnh thần kinh ngoại biên ĐTĐ

Bệnh thần kinh ngoại biên hoặc chứng rối loạn chức năng thần kinh ngoại biên xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường sau khi đã loại trừ do những nguyên nhân khác gây ra. Có thể chia ra các thể lâm sàng như sau:

Bệnh lý thần kinh xa gốc đối xứng ĐTĐ: Bệnh xảy ra đầu tiên ở chi dưới là do tư thế đứng thẳng, tư thế này làm các vi mạch máu dễ bị tổn thương do cơ chế co mạch bị giảm. Bệnh nhân bị rối loạn cảm giác; dị cảm ở đầu chi với cảm giác kiến bò, tê rần châm chích hoặc có cảm giác rát bỏng; giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc ở da và cảm giác nhiệt, mất cảm giác theo hướng đi lên “dạng bốt” ở chân, hoặc “dạng mang găng” ở tay; tăng cảm giác đau và đau các chi nhiều về đêm, đau âm ỉ hoặc kịch phát. Với sự phân bố vùng đau nhiều nhất ở bàn chân (96%), ngón chân (67%), mu chân (54%), rồi tới tay, lòng bàn chân, bắp chân và gót chân. Bệnh lý này tiến triển đặc trưng là bệnh lý thần kinh “chết ngược dần”, ảnh hưởng đầu tiên là ở các ngón chân, sau đó lan rộng lên gốc chi và cũng có thể ảnh hưởng đến thành bụng trước và rồi đến quanh thân.

Cảnh giác với bệnh thần kinh ngoại biên

Bệnh khiến bệnh nhân bị rối loạn vận động, dẫn đến mất cảm giác sâu và mất phản xạ nhận cảm do tổn thương của các sợi thần kinh lớn. Bệnh không có dấu hiệu nổi trội và giới hạn ở phần xa chi dưới làm teo cơ, yếu cơ tại vị trí ngón và bàn chân. Giảm hay mất phản xạ gân gót xảy ra ở giai đoạn sớm của bệnh, trong khi đó mất phản xạ lan rộng và yếu vận động xảy ra chậm hơn.

Bệnh thần kinh khu trú: Viêm dây thần kinh ĐTĐ thường xảy ra cấp tính và không đối xứng, liên quan chủ yếu các dây thần kinh sọ, vùng thân và ngoại biên. Bệnh thoái triển tự phát sau 3 đến 12 tháng, có trường hợp kéo dài đến nhiều năm.

Bệnh nhân bị viêm một dây thần kinh có thể bị thay đổi thị lực hoặc yếu các cơ liên quan các dây thần kinh sọ não như dây III, IV, ngay cả dây VII. Tổn thương dây III gây liệt nhãn cầu, sụp mi mắt và nhìn đôi kèm rối loạn về đồng tử, phản ứng đồng tử có thể chậm ở bệnh nhân ĐTĐ…

Ngoài ra còn gặp viêm rải rác các dây thần kinh và viêm các rễ thần kinh do ĐTĐ thường không đối xứng hai bên. Bệnh nhân thường đau ở lưng, hoặc mông - đùi một bên, hay đau chân ở một bên, nặng lên về đêm. Đau phối hợp với teo cơ vùng chậu - đùi một bên rồi sau đó sang bên kia.

Bệnh teo cơ ĐTĐ: Còn được gọi là bệnh thần kinh đùi hoặc bệnh thần kinh vận động vùng gốc, thường hai bên. Đây là bệnh cảnh gây yếu cơ đùi, đau và mất phản xạ chi dưới. Thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, người lớn tuổi kèm theo sút cân. Teo cơ đùi ưu thế, giảm khả năng vận động và thường bị giới hạn ở các cơ đáy chậu, cơ tứ đầu đùi và các cơ kép. Các cơ trước ngoài cẳng chân ít gặp hơn. Thường tự hồi phục sau 6-12 tháng nhưng teo cơ vẫn xảy ra. Đo vòng đùi ít có giá trị để đánh giá do tổ chức mỡ phát triển ở vùng đùi.

Điều trị ra sao?

Trước hết bệnh nhân ĐTĐ cần phải theo dõi, kiểm soát tốt đường huyết, tránh để đường huyết cao hoặc hạ quá.

Các thuốc đầu tiên được sử dụng là thuốc giảm đau như kháng viên không steroid như ibuprofen, sulindac; thuốc chống trầm cảm như amitriptyline, nortriptyline, imipramine, paroxetine; thuốc chống động kinh như gabapentine, cabamazepine...

Sử dụng các loại thuốc này nhằm điều trị các triệu chứng cơ năng của bệnh lý thần kinh do ĐTĐ, đặc biệt là triệu chứng đau mà nhất là đau về ban đêm sẽ làm bệnh nhân mất ngủ ảnh hưởng đến tổng trạng chung của bệnh nhân.


TS. Nguyễn Vinh Quang
Ý kiến của bạn