Cảnh giác với bệnh giời leo

11-03-2020 17:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Giời leo là cách gọi dân dã, nôm na bệnh Zona thần kinh do virus Varicella zoster gây ra.

Bệnh gây đau rát vùng do thần kinh tổn thương chi phối khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức và xuất hiện mụn nước khó chịu.

Đối tượng dễ mắc

Zona thần kinh do virus Varicella zoster gây ra. Virus này cũng gây ra bệnh thủy đậu. Sau khi bị bệnh thủy đậu, virus có thể ẩn nhiều năm trong hạch của rễ sau dây thần kinh tủy sống, đến khi có điều kiện thuận lợi, nó sẽ gây ra bệnh Zona.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là: bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, ung thư, bệnh nhân đang điều trị hóa chất ức chế miễn dịch, người tiếp nhận ghép bộ phận cơ thể, căng thẳng tinh thần. Virus gây tổn thương rễ dây thần kinh tủy và vùng da mà dây thần kinh này chi phối. Bệnh có thể tái phát, nhất là khi dùng các thuốc làm giảm tính miễn dịch của cơ thể. Nhờ có sự miễn dịch của cơ thể với sự tấn công mới của virus thủy đậu nên bệnh Zona không lây từ người bệnh sang người lành đã mắc bệnh thủy đậu. Nếu người chưa có miễn dịch khi tiếp xúc với người bị bệnh Zona có thể bị bệnh Zona hoặc thủy đậu.

Tổn thương do giời leo.

Tổn thương do giời leo.

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng bệnh xuất hiện thành từng đợt, lớp này nối tiếp lớp kia.

Dấu hiệu sớm của bệnh là cảm giác nhạy cảm. Đau hoặc như kim châm nhoi nhói, ngứa, rát bỏng trên một vùng da. Cảm giác này chỉ có ở vùng cơ thể chịu ảnh hưởng của dây thần kinh chứa virus bị tổn thương. Thông thường, chỉ có một dây thần kinh tủy sống bị virus tấn công. Bệnh nhân bị nhức đầu, đau mình, sốt nhẹ. Sau vài ba ngày thì những mụn rộp xuất hiện trên nền da màu đỏ như phải bỏng. Mụn nước sẽ lan rộng tới một vùng da do dây thần kinh bị bệnh chi phối có thể là thắt lưng, ở cạnh sườn từ xương sống tới xương ức một bên, bàn chân, bàn tay hoặc một bên mặt, da đầu. Điểm đặc biệt là mụn nước thường chỉ ở một phía, ít khi lan qua đường ranh giới giữa thân mình. Lúc đầu, mụn nước trong, sau đó thành đục có mủ, lõm ở giữa. Khi mụn nước xuất hiện thì nóng sốt cũng giảm. Mụn nước khô đi sau vài tuần lễ, để lại một lớp vảy. Vảy rụng sau vài tuần lễ. Da sẽ có sẹo tròn màu bạc xếp thành từng nhóm. Nhưng cơn đau trên da có thể vẫn tồn tại do di chứng sau Zona.

... và những biến chứng

Bệnh nhân phải chịu đau đớn ở vùng da bị bệnh liên tục nhiều tháng hoặc hằng năm. Khoảng trên 50% bệnh nhân hơn 70 tuổi bị đau đớn gặm nhấm thể xác và gây stress về tinh thần dai dẳng. Zona hủy hoại tế bào thần kinh tủy sống và làm rối loạn chức năng dẫn truyền tín hiệu từ ngoài da. Bệnh nhân có thể tả nhiều kiểu đau xảy ra kế tiếp hoặc đồng thời. Khi Zona gây tổn thương dây thần kinh tam thoa ở mặt, mụn nước sẽ mọc ra trên mặt, trong miệng và mắt. Nếu mụn mọc gần mắt, bệnh nhân cần đi khám ở khoa mắt ngay vì nếu mắt mà bị nhiễm virus thì thị giác có thể bị mất. Nếu tổn thương dây thần kinh số VII sẽ đau tai trong, cảm giác trên mặt tê liệt, vị giác giảm, mắt mờ, mỏi. Một biến chứng nguy hiểm là đau dây thần kinh sau Zona, nhất là ở người cao tuổi. Các cơn đau này có khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành.

Cần làm gì?

Nhiều người cho rằng chữa bệnh giời leo bằng cách đắp đậu xanh, gạo nếp hoặc các loại thảo dược lên vùng da bị tổn thương giúp nhanh khỏi và chặn không cho lan ra xung quanh. Tuy nhiên, làm  như vậy không chữa được bệnh mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây loét, kích ứng da... Bởi vì trong tuần lễ đầu, khi bệnh đang phát triển, có đắp gạo nếp đậu xanh hay bất cứ thứ gì lên vùng da bị bệnh thì không những bệnh không giảm mà còn làm cho chỗ bị bệnh bị bội nhiễm từ nước bọt của người nhai. Tuy nhiên, có trường hợp sau khi đắp khoảng 1 tuần lễ, bệnh sẽ khỏi nên càng làm cho mọi người tin tưởng vào cách trị này. Bởi vì sau 7 - 10 ngày, bệnh không điều trị cũng tự lui vì đây là bệnh do virus. Do đó, khi bị Zona thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Đặc biệt, trong trường hợp Zona xuất hiện ở gần mắt thì nguy cơ ăn vào giác mạc là rất lớn và gây nguy hiểm đến mắt.

Ngoài ra, người bệnh cần có những biện pháp hỗ trợ tại nhà bằng những cách giữ cho khu vực sang thương được sạch sẽ bằng xà bông nhẹ và nước, mặc quần áo rộng để tránh bị thương thêm khi quần áo tiếp xúc với sang thương, tránh những tiếp xúc da chạm da với những người chưa từng bị bệnh.


BS. Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến của bạn