Hiện nay, các công ty tài chính (CTTC) ngoài hoạt động cho vay mua sản phẩm như điện thoại, điện máy, xe máy... còn có dịch vụ thẻ tín dụng với các khoản vay tiền mặt. Tuy vậy, nếu người vay không tìm hiểu kỹ, chuẩn bị về các phương án tài chính sẽ dễ dẫn tới những phiền hà, rắc rối với mình và người thân.
Theo khách hàng phản ánh, khi mở thẻ tín dụng rút tiền mặt, nhân viên các CTTC thường nói lãi suất chỉ 1-2%/tháng, nhưng khi xem lại hồ sơ mở thẻ, trả nợ, bị đòi nợ... mới phát hiện lãi suất lên tới 4,08%/tháng (gần 49%/năm). Khi đó, đã quá muộn! Thậm chí, nếu nợ quá hạn lãi suất còn cao hơn gấp nhiều lần. Với khoản lãi “cắt cổ” trên, chỉ sau 1 năm, số tiền lãi nuôi CTTC đã bằng gần nửa số tiền gốc khách hàng đã vay.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, tham gia cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng hiện nay căn bản có hai nhóm chủ thể chính, bao gồm các ngân hàng và các CTTC. Thông thường, các ngân hàng sẽ có mức lãi suất cho vay thấp nhưng thủ tục giấy tờ và thời gian phê duyệt khoản vay thường phức tạp và lâu hơn. Trong khi đó, các CTTC có thủ tục vay, bộ hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng đi kèm là mức lãi suất cao hơn nhiều so với mức của các ngân hàng. Với mức lãi suất mua hàng trả góp, các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình từ 10 - 25%/năm. Mức lãi suất của CTTC phổ biến từ 55% đến cao nhất lên tới trên 84%/năm.
Nhiều khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc người vay nhanh chóng ký mà không để họ đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng. Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để người vay lưu giữ hoặc không cho phép người tiêu dùng sao chụp hợp đồng. Trong những trường hợp này, nhân viên tư vấn thường lấy lý do phải chuyển hợp đồng về công ty để lấy dấu, hẹn sẽ chuyển theo đường bưu điện cho người vay sau.
Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính, đặc biệt là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa. Người vay cần hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như: lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm... Người vay chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ, nhìn rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ.
Thực chất, việc CTTC mở bung thị trường cho vay tiêu dùng đã giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thay vì khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải vay “tín dụng đen”. Tuy vậy, mặt trái của hoạt động cho vay tiêu dùng là lĩnh vực mới, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, còn ít công ty thực sự có năng lực, chuyên nghiệp. Điều này dẫn tới các CTTC hoạt động bất chấp luật pháp, tiếp cận khách hàng với thái độ thiếu chuẩn mực. Thậm chí gây cảm giác như lừa đảo, kiểu tín dụng đen, tìm mọi cách để khai thác khách hàng với lãi vay cao ngất ngưởng, cho vay mập mờ, khi khách hàng phát hiện ra thì đã quá muộn.
Không ít trường hợp khách hàng “bút sa gà chết”, đã ký hợp đồng rồi thì phải thực hiện. Khi có khó khăn, nếu không trả được nợ, lập tức khách hàng, người thân sẽ bị nhân viên CTTC “khủng bố” điện thoại với hàng chục cuộc gọi yêu cầu trả nợ mỗi ngày. Sau đó, các công ty này dọa dẫm sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án, công an để khởi tố vì tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm dụng tài sản”. Về mặt lý thuyết, người vay có thể bị đưa ra tòa hoặc chuyển hồ sơ sang công an. Theo tìm hiểu, hệ thống đòi/nhắc nợ của CTTC được thực hiện tự động với rất nhiều nhân viên, mỗi người một số khác nhau (để tránh khách hàng chặn số). Do đó, khi hệ thống vẫn ghi nhận nợ, số của khách hàng được tự động chuyển liên tục từ nhân viên này sang nhân viên khác. Chỉ khi khách hàng trả nợ, hệ thống loại khỏi danh sách, khi đó mới không bị làm phiền.
Các hành vi đe dọa “khủng bố” để đòi nợ trên đều được xem là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, khi phát hiện hoặc khi gặp phải các tình huống tương tự, người tiêu dùng cần cảnh giác, đồng thời chủ động phản ánh tới các cơ quan chức năng để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.
Hơn hết, về phần khách hàng, nên đọc kỹ các điều khoản tín dụng, tính toán trước khả năng tài chính khi vay. Trước khi đặt bút ký vào đơn đề nghị vay kiêm hợp đồng vay vốn, khách hàng nên hiểu rõ từng điều khoản cũng như những điều kiện ràng buộc do bên cho vay đưa ra. Đừng để sự đã rồi, rất khó giải quyết.