nhưng gần như loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, ngay cả các loại thuốc thông dụng nhất. Vậy, nên làm gì để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc đến cơ thể người sử dụng.
Các thuốc thường dùng và những bất lợi hay gặp
Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid: Là loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm không có cấu trúc steroid (non-steroidal anti-inflammatory drug, viết tắt là NSAID) như aspirin, ibuprofen, diclofenac và naproxen được dùng để hạ sốt hoặc giảm đau, viêm (nhất là trong các bệnh về xương khớp). Khi dùng các thuốc nhóm này, người dùng cần cảnh giác với nguy cơ gây viêm loét dạ dày, co thắt phế quản… Vì vậy, những bệnh nhân bị hen phế quản, người có tiền sử loét dạ dày, tá tràng... không được dùng.
Thuốc hạ sốt paracetamol: Còn được gọi là acetaminophen, được sử dụng để điều trị cơn đau nhẹ đến vừa phải (từ đau đầu, đau bụng do kinh nguyệt, đau răng, đau lưng, viêm xương khớp, đau nhức hoặc cảm lạnh/cúm) và giảm sốt. Tác dụng phụ của thuốc là gây buồn nôn, đau bụng thượng vị, ngứa (dị ứng), mất cảm giác ngon miệng và đặc biệt là gây tổn thương gan nếu dùng quá liều…
Thuốc làm giảm mỡ máu (cholesterol): Statin là một nhóm thuốc phổ biến làm giảm cholesterol, ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ. Atorvastatin, lovastatin và pravastatin là một số thuốc statin phổ biến. Tuy vậy, statin có thể gây tổn thương, tiêu cơ vân (Các yếu tố thuận lợi làm xuất hiện, tăng nặng tác dụng phụ này là: Người vốn có bệnh viêm cơ lan tỏa, bị nhiễm khuẩn nặng, hạ huyết áp, có các tổn thương lớn, có bất thường về chuyển hóa, đặc biệt khi dùng phối hợp với một số thuốc khác.); làm thay đổi chức năng gan (tăng men gan). Ngoài ra, thuốc có thể làm giảm lượng vitamin D trong cơ thể ảnh hưởng đến phát triển của xương cũng như hấp thụ.
Thuốc kháng acid: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) và kháng histamin H2 là loại thuốc làm giảm lượng acid trong dạ dày. Tuy vậy, loại thuốc này làm giảm đáng kể lượng magiê trong cơ thể. Thiếu hụt magiê có thể gây ra bệnh về tim, tăng huyết áp và rối loạn tâm trạng.
Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai làm giảm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể tạo ra chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên và hormon giới tính. Loại thuốc tránh thai dùng bằng đường uống có thể làm giảm lượng acid folic, vitamin B2, B6, B12, C, E và một số khoáng chất như magiê, selen, kẽm. Sử dụng lâu dài có thể gây ra các cơn hoảng loạn, mệt mỏi, trầm cảm, suy giáp, bệnh tim, tăng cân, khó chịu, đau thần kinh, và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Thuốc điều trị tăng huyết áp: Thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp làm cạn kiệt nguồn magiê (tương tự như thuốc kháng acid điều trị bệnh dạ dày), làm giảm canxi và nguồn dự trữ các khoáng chất khác trong cơ thể. Những yếu tố này là rất quan trọng đến sự an toàn của xương. Vì vậy, tác dụng phụ thường thấy là gây loãng xương, bệnh tim, nhiễm trùng tái phát, co rút cơ bắp, trầm cảm, giảm khả năng miễn dịch, thị lực kém, tuyến tiền liệt mở rộng (nam giới), tăng cân, tóc rụng, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và mất trí nhớ. Hầu hết các thuốc sử dụng điều trị bệnh tăng huyết áp đều có tác dụng phụ khác nhau.
Thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng có thể đẩy nhanh sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, vì vậy cơ thể sẽ có ít thời gian hơn để hấp thụ chất dinh dưỡng. Sử dụng thuốc nhuận tràng quá mức có thể làm giảm lượng vitamin và khoáng chất cũng như dẫn đến tình trạng mất nước của cơ thể.
Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh (đặc biệt là các loại thuộc nhóm penicillin) có thể ngăn cản việc hấp thu vitamin K và giết chết một số vi khuẩn trong đường ruột làm mất cân bằng sinh thái của hệ vi khuẩn chí đường ruột (loạn khuẩn). Kháng sinh nhóm tetracycline như doxycycline (dùng để điều trị mụn trứng cá, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh chlamydia…) cũng có thể làm giảm sự hấp thu của cả thuốc kháng sinh và canxi. Ngoài ra, tetracycline còn làm hỏng men răng cho trẻ dưới 14 tuổi. Kháng sinh họ quinolon có tác dụng phụ làm tổn thương sụn khớp ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ dưới 16 tuổi.
Nên làm gì để hạn chế tác dụng phụ của thuốc?
Người bệnh cần tuân thủ chỉ định và tư vấn của bác sĩ, không được tự động thay đổi liều dùng, thay đổi thuốc. Đặc biệt, người bệnh không tự động mua thuốc để tự điều trị bệnh cho mình hoặc cho người nhà khi không có chuyên môn về y học. Khi dùng thuốc nếu gặp tác dụng phụ (bất thường), cần thông báo cho bác sĩ biết hoặc đến gặp bác sĩ khám bệnh và điều trị cho mình để được xử lý kịp thời, thích hợp...