Bệnh viêm tai xương chũm gây những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh như viêm màng não, áp-xe não, viêm tĩnh mạch bên… nên được xếp vào loại viêm tai nguy hiểm.
Viêm tai xương chũm gây đau đầu và mất ngủ
Bệnh nhân 32 tuổi nhập viện khám với biểu hiện đau tai, chảy mủ tai kéo dài nhiều tháng, đã được điều trị tại rất nhiều cơ sở y tế và bệnh viện chuyên khoa trước đó nhưng vẫn đau tai, đau đầu nhiều.
Trong quá trình thăm khám, khi ấn vùng mặt xương chũm các bác sĩ phát hiện lỗ thủng màng tai nên đã nghi ngờ có tổn thương ở vùng sau trên của ống tai ngoài bên phải của người bệnh. Bệnh nhân được chỉ định chụp phim CT Scan xương thái dương, kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm tai xương chũm có khối cholesteatoma lớn trong xương chũm.
Ngay lập tức bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn xương chũm, lấy bỏ toàn bộ khối cholesteatoma có kích thước khá lớn chiếm toàn bộ xương chũm đã có xuất ngoại thành trên ống tai ngoài. Rất may mắn, khối tổ chức cholesteatoma chưa gây các tổn thương tới các cơ quan quan trọng ở trong tai và vùng xung quanh. Sau khi được phẫu thuật, người bệnh hết hoàn toàn triệu chứng đau đầu và mất ngủ.
Cholesteatom là sự tích tụ bất thường các tế bào da chết tạo thành một khối sừng hóa ở tai giữa, xương chũm của tai.
Viêm tai mạn tính có cholesteatoma tuy không có tính chất ác tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó bệnh còn được gọi là bệnh viêm tai nguy hiểm. Các biến chứng nặng bao gồm liệt mặt do tổn thương dây thần kinh VII, chóng mặt do tổn thương tiền đình ngoại biên hoặc viêm não màng não nếu tổn thương lan tràn vào tai trong hoặc não.
Nguyên nhân gây viêm tai xương chũm
Viêm tai xương chũm có thể là viêm cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh có thể phát sinh từ việc nhiễm trùng trực tiếp bởi các loại vi khuẩn như Haemophilus influenza, Staphylococcus hoặc Streptococcus.
Ngoài ra, khá nhiều trường hợp phổ biến, viêm tai xương chũm cấp tính là biến chứng từ viêm tai giữa nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh viêm tai giữa sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, bạch hầu và ho gà.... có nguy cơ mắc bệnh viêm tai xương chũm rất cao.
Một trường hợp khác, tình trạng viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương tích tụ khiến cho các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá hủy dần, các ổ mủ tập trung lại thành túi mủ, đôi khi xương bị chết từng khối và biến thành xương mục là nguyên nhân gây nên viêm tai xương chũm. Khi đó, quá trình chảy mủ tai thối kéo dài thời gian dài và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ai cũng có thể mắc viêm tai xương chũm nhưng bệnh phổ biến ở những trẻ từ 6-13 tháng tuổi hoặc ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Biểu hiện viêm tai xương chũm và biến chứng
Viêm tai xương chũm thường xuất phát từ viêm nhiễm tai giữa không được điều trị triệt để nên có thể có các biểu hiện chảy mủ tai tăng lên hoặc ít đi do bị bít tắc dẫn lưu mủ, mủ thối; Mủ tai đặc có mùi thối khẳn, có màu xanh hoặc vàng đôi khi có tia máu.
Các biểu hiện sốt, đau tai, nghe kém đang giảm dần đột nhiên lại sốt cao trở lại với nhiệt độ 39-40 độ C, có thể có phản ứng màng não như mê sảng, co giật…
Đa số người bệnh mệt mỏi, đau sâu trong tai, đau theo nhịp mạch đập là triệu chứng chính, đau tăng dữ dội, đau sâu trong tai lan ra vùng chũm và vùng thái dương, nhức đầu. Kèm theo đó là nghe kém, nghe kém kiểu dẫn truyền thường kèm theo có ù tai và chóng mặt nhẹ.
Ngoài ra, người bệnh có thể có dấu hiệu sưng phồng ở trước trên nắp bình tai, sưng phồng ở phía sau tai, vành tai bị đẩy ra phía trước, mất nếp sau tai, mủ chảy xuống vùng cổ dọc theo cơ cổ ức đòn chũm làm sưng tấy vùng cổ, quay cổ khó khăn, mủ có thể phá vỡ cả da vùng này và tạo nên những lỗ rò. Màng nhĩ nề đỏ, lỗ thủng thường sát thành ống tai xương, bờ nham nhở, đáy lỗ thủng phù nề xung huyết.
Bệnh viêm tai xương chũm nếu không được điều trị có thể gây ra các bệnh lý như viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch trong sọ, viêm các xương xung quanh hộp sọ, liệt dây thần kinh vận động cơ mặt làm méo mặt, áp-xe cổ hay áp-xe. Trong đó, áp-xe não là một trong những nguyên nhân gây tử vong tại khoa cấp cứu tai mũi họng.
Tóm lại: Viêm tai xương chũm là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó có thể gây phá hủy phần xương, kéo theo mất khả năng nghe. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám.
Việc điều trị bệnh lý viêm tai xương chũm được xem là khó khăn vì khó có thể thấm đủ sâu vào xương chũm, vì thế cần phải kiên trì điều trị. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định, uống thuốc điều trị trong thời gian dài. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn xương chũm.
Để việc điều trị được hiệu quả, bệnh nhân nên kết hợp thêm những thói quen sinh hoạt và phong cách sống khoa học như giữ tai sạch sẽ và khô ráo, không tự ý điều trị, ngoáy tai dễ gây tổn thương.