Cảnh giác viêm phổi do tụ cầu từ nhiễm khuẩn da

24-03-2022 10:59 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm phổi tụ cầu thường liên quan đến dịch cúm, sởi hay gặp hơn ở người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Nhiều người cho rằng người bị nhiễm tụ cầu vào phổi qua hít thở tụ cầu vào theo đường hô hấp nhưng tụ cầu còn từ các ổ nhiễm khuẩn da gây viêm da rồi gây viêm phổi. Chính vì vậy việc lưu ý chăm sóc da để phòng bệnh viêm phổi do tụ cầu là vô cùng quan trọng.

1. Tổng quan về viêm phổi do tụ cầu

Tụ cầu (Staphylococcus) là cầu khuẩn Gram dương, khi có vỏ bọc, tụ cầu dễ xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Viêm phổi tụ cầu do cơ chế hút thường xảy ra sau cúm hoặc trên những cơ địa suy giảm miễn dịch, tụ cầu theo dịch tiết đường hô hấp trên bị hút vào phổi .

Cơ chế thứ hai là tụ cầu theo đường máu đến phổi từ ổ nhiễm trùng ngoài phổi. Theo cơ chế này, viêm phổi có nhiều ổ, thường xảy ra ở người bệnh lọc máu, người được đặt dụng cụ nội mạch bị nhiễm trùng, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng trong tim vùng van ba lá.

Và đặc biệt nhiễm khuẩn ngoài da, mụn nhọt do tụ cầu, nhất là vùng mặt, có thể biến chứng viêm phổi. Khi xuất hiện viêm phổi, có thể đã khỏi mụn nhọt ở da.

Viêm phổi do tụ cầu có diễn biến cấp tính hoặc bán cấp tính. Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào tuổi và sức khoẻ của bệnh nhân. Viêm phổi xảy ra rất nhanh sau nhiễm tụ cầu đường hô hấp trên. Khi biến chứng viêm phổi thì triệu chứng của cúm hoặc sởi thường nặng lên .

Cảnh giác viêm phổi do tụ cầu từ nhiễm khuẩn da - Ảnh 1.

Viêm da tụ cầu có thể xảy ra ở tất cả mọi người

2. Viêm phổi do tụ cầu từ nhiễm khuẩn da

Một "cửa ngõ" có thể là đường vào của nhiều loại vi khuẩn gây viêm phổi mà ít người để ý đó là da. Trên thực tế đã có không ít người bệnh viêm phổi nặng bị tử vong do không được điều trị sớm các nguyên nhân xuất phát từ những tổn thương trên da.

‎Có rất nhiều loại vi sinh vật ký sinh ở da của người bình thường trong đó có những loại vi khuẩn có thể rất nguy hiểm đến tính mạng như vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus). Nếu vi khuẩn này xâm nhập được vào máu và di chuyển đến phổi thì nó có thể gây ra bệnh viêm phổi với tỉ lệ tử vong lên đến 30%.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đối tượng dễ bị viêm phổi do tụ cầu là: những người do điều kiện sống nghèo khổ, vệ sinh kém, người có thói quen dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, bệnh nhân nằm viện lâu ngày. Sống nghèo khổ thì kém sức đề kháng, kèm theo điều kiện vệ sinh kém dễ bị viêm da, mụn nhọt do tụ cầu, từ đó dễ bị viêm phổi do tụ cầu vào theo đường máu.

Tụ cầu tiết ra nhiều độc tố và enzym ngoại bào. Chúng còn có thể tạo vỏ polyscaccarid chống lại thực bào. Khi có vỏ bọc, tụ cầu xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Còn tụ cầu không có vỏ bọc chủ yếu gây bệnh tại chỗ, nhưng khi vào máu theo đường tiêm truyền thì hay gây sốc nhiễm khuẩn.

Các nguyên nhân có thể gây suy yếu cơ chế bảo vệ da bao gồm: Không tắm rửa để loại bỏ các lớp da chết, không chăm sóc kỹ các vết thương da làm mất hàng rào vật lý; để da thiếu nước, không đủ các chất tiết để diệt khuẩn về mặt hoá học; không đủ vi chất để các tế bào miễn dịch hoạt động về mặt sinh học…

Cảnh giác viêm phổi do tụ cầu từ nhiễm khuẩn da - Ảnh 2.

Thời tiết nồm ẩm, nắng nóng, nếu thiếu nước sinh hoạt kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt thì bệnh do tụ cầu càng dễ phát triển

‎3. Biểu hiện viêm phổi do tụ cầu từ nhiễm khuẩn da

Trước hết dựa vào đặc điểm dịch tễ tiền sử có mụn nhọt ngoài da (thường là đã khỏi), bệnh cảnh lâm sàng. Trên thực tế, bệnh nhiễm khuẩn da và niêm mạc do tụ cầu là một bệnh thường xảy ra vào mùa nóng, nhất là các bệnh mụn nhọt, chốc đầu, lở loét da.

Khi các vùng nhiễm khuẩn ở da có khi tạo nên các ổ áp-xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu bị nhiễm tụ cầu có thể gây nên viêm da sơ sinh hoặc hội chứng bong da ở trẻ nhỏ. Bệnh được thể hiện là ngay sau khi có sốt và đỏ da là xuất hiện hiện tượng bong lớp biểu bì, đồng thời hình thành bọng nước trên một diện tích da khá rộng.

Viêm da cũng có thể tạo thành các ổ áp-xe nhỏ như đầu đinh ghim ở vùng da đầu do viêm tắc các  chân lông và tuyến mồ hôi, tuyến bã. Nhiều trường hợp viêm tạo thành nhọt (áp-xe) da đầu bị vỡ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau làm xuất tiết các chất huyết tương kèm theo vi khuẩn tụ cầu lây lan sang vùng da khác và gây bệnh.

Đặc biệt là vùng da có nhiều lông như ở đầu (trẻ em và người trưởng thành), nách, mu (người trưởng thành). Tụ cầu cũng gây nên mụn đầu đinh (đinh râu) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh vì có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.

Tụ cầu gây bệnh ở các cơ quan sâu trong cơ thể như áp-xe cơ hoành, áp-xe các cơ đùi, bắp chân, áp-xe phổi. Những bệnh do tụ cầu gây nên ở da và niêm mạc có thể là ngoại sinh (môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh) nhưng cũng có thể là do nội sinh (vi khuẩn tụ cầu có ngay trên cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh, bởi vì có tới 20 - 30% người lành mang vi khuẩn này ở da và niêm mạc đường hô hấp trên).

Chính vì vậy, thời tiết nồm ẩm, nắng nóng, nếu thiếu nước sinh hoạt kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt thì bệnh do tụ cầu càng dễ phát triển và có khi gây thành dịch mang tính chất gia đình.

4. Cần chú ý vệ sinh da sạch sẽ để phòng viêm phổi do tụ cầu

Để tránh viêm phổi do tụ cầu, chúng ta cần tạo điều kiện để tất cả các cơ chế bảo vệ đều hoạt động hiệu quả. Ngoài việc tăng cường sức đề kháng toàn cơ thể bằng cách luyện tập thể thao, uống đủ nước, duy trì chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung các vitamin và các nguyên tố vi lượng…thì việc chăm sóc da đúng cách cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao khả năng đề kháng của da.

Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh trên da do nhiễm tụ cầu (như nhọt, viêm tấy da, viêm nang lông, …) mà còn tránh được một số bệnh nội tạng trong đó có viêm phổi. Ngoài ra, đề kháng da khoẻ còn giúp bảo vệ cơ thể tốt hơn khỏi các virus, vi khuẩn gây bệnh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm như hiện nay.

Để hạn chế mắc bệnh nhất là thời tiết nồm ẩm, nóng bức do tụ cầu gây ra, cần vệ sinh cá nhân thật tốt bằng hình thức tắm, rửa hàng ngày với nước sạch, nhất là trẻ nhỏ bụ bẫm có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa đựng nhiều mồ hôi, bã nhờn. 

Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày bằng hình thức đánh răng và súc họng nước muối nhạt trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Mỗi khi đi ra ngoài đường, nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn. Nếu bị viêm đường hô hấp, nhất là các loại bệnh thuộc hô hấp trên (viêm mũi, họng, viêm amidan, xoang), cần điều trị một cách dứt điểm, không nên để chúng trở thành bệnh mạn tính.

Video có thể bạn quan tâm:

Sinh Viên Mắc Covid-19 Tăng, Trường Đại Học Khẩn Trương Ứng Phó | SKĐS


‎TS BS. Nguyễn Như Vinh
Ý kiến của bạn