Đây không phải là đợt dịch bệnh đầu tiên mà con người trải qua với số ca mắc và tử vong lên tới hàng triệu người. Vào năm 1918, đại dịch cúm đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người, dịch bệnh tấn công nhiều đợt, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Các đại dịch cúm tiếp sau đó cũng kéo dài trong nhiều đợt như đợt dịch cúm năm 1957, 1968. Gần đây, đại dịch cúm H1N1 năm 2009, khởi phát hồi tháng 4 nhưng sau đó đã xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 2 ở Mỹ và khu vực Bắc bán cầu vào mùa thu năm đó.
Với làn sóng dịch bệnh thứ hai ở mỗi cơn đại dịch luôn khác nhau và có sự thay đổi. Nó chỉ có một điểm giống nhau duy nhất là bệnh dịch quay trở lại.
Sẽ có một làn sóng thứ hai?
Vấn đề này đang được theo dõi bởi nhiều quốc gia vì COVID-19 là dịch hiện chưa có vắc-xin, số người mang miễn dịch cộng đồng chưa nhiều. Hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng Singapore đang chứng kiến sự gia tăng của dịch. Singapore có hệ thống y tế rất hiện đại, theo dõi sát sao các trường hợp tiếp xúc gần, tưởng như quốc gia này đã kiểm soát được dịch, thì đến nay, mỗi ngày Đảo quốc Sư tử báo cáo hàng nghìn trường hợp mới nhiễm COVID-19, chính thức bước vào nhóm quốc gia có trên 10.000 trường hợp nhiễm virus.
Các ổ dịch của Singapore bùng phát ở hàng loạt các ký túc xá đông đúc chật chội dành cho người lao động nước ngoài. Điều này chứng tỏ một điều, tái bùng phát dịch bệnh có thể xuất hiện ở những khu vực đông dân, kém vệ sinh và kiểm soát lỏng lẻo. Bất cứ điểm yếu nào trong hệ thống y tế công cộng sẽ bị dịch bệnh “tấn công” ngay lập tức.
Các khu nhà của người lao động nước ngoài đang là thách thức với Singapore trong phòng ngừa dịch bệnh.
Hay tại Đức - nơi được đánh giá đã xử lý tốt các ổ dịch bệnh bằng việc truy vết các ca nhiễm cũng như tiếp xúc gần, và mới đây Đức cũng bắt đầu chuyển sang nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhưng có sự gia tăng nhẹ số trường hợp mắc bệnh.
Kể cả nơi được coi là thành công trong chống dịch COVID-19 như Trung Quốc đã bất ngờ “đón nhận” số các trường hợp mới tăng đột biến ở tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga với hơn 500 ca nhiễm COVID-19. Trung Quốc buộc phải đóng cửa cả thành phố để ngăn dịch bệnh. Nghiêm trọng hơn đang có một trường hợp được cho là ca siêu lây nhiễm, bệnh nhân này là một cụ ông 87 tuổi có nhiều bệnh nền, đã khám tại 2 bệnh viện và tiếp xúc với nhiều người.
Mối lo dịch bệnh vẫn còn
Theo các nhà khoa học, làn sóng dịch bệnh thứ 2 xảy ra sau khi năng lực điều trị và cách ly không đáp ứng tình hình thực tế. Trước sức ép mở cửa trở lại nền kinh tế, một số nước như Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh thứ 2 trong tương lai không xa. PGS dịch tễ học của Đại học Johns Hopkins, ông Justin Lessler cho rằng: “Dịch bệnh cũng giống như những những đám cháy. Khi có nguồn nhiên liệu, chúng sẽ bùng phát. Còn khi không đủ nhiên liệu chúng sẽ âm ỉ cháy”.
Trong khi các loại vắc-xin phòng COVID-19 vẫn còn đang được nghiên cứu và phải mất nhiều tháng nữa mới ra đời, nếu có thêm một đợt bùng phát dịch bệnh nữa xảy ra, thế giới sẽ phải gánh những hậu quả không nhỏ.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhận định, các biện pháp phong tỏa xã hội cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhưng việc nới lỏng quy định này cần được thực hiện một cách từ từ để tránh dịch bùng phát trở lại.