Lại xuất hiện nhà báo “rởm” hành nghề ?
Ngày 12/6, ông Nguyễn Ngọc Ký - Phó Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Truyền thống và Phát triển (TTPT) khu vực miền núi phía Bắc (thuộc Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) cho biết, Tạp chí TTPT vừa có văn bản gửi Công an tỉnh Tuyên Quang đề nghị điều tra, làm rõ đối tượng Lê Đình Hưởng (sinh năm 1987, Hà Đông, Hà Nội) giả danh phóng viên Tạp chí TTPT. Cụ thể, theo Văn bản số 02/VB-TTPT của Văn phòng Đại diện Tạp chí TTPT khu vực miền núi phía Bắc gửi đến Công an phường Minh Xuân, TP. Tuyên Quang ngày 11/6/2019, Văn phòng Đại diện Tạp chí TTPT khu vực miền núi phía Bắc nhận được thông tin của một số đơn vị cho biết, có phóng viên của tờ tạp chí này tới liên hệ làm việc và xuất trình thẻ phóng viên của tạp chí.
Nghi ngờ người này mạo danh phóng viên của tạp chí nên ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Văn phòng Đại diện Tạp chí TTPT khu vực miền núi phía Bắc đã báo cáo với Tổng biên tập Tạp chí và đề nghị Công an phường Minh Xuân mời đối tượng Hưởng về trụ sở để làm việc, xác minh rõ danh tính. Tại trụ sở công an, đối tượng Hưởng xuất trình thẻ phóng viên mang tên Lê Đình Hưởng, bút danh Lê Hưởng, sinh năm 1987; thẻ cấp ngày 1/1/2018 có giá trị đến 31/12/2020 do ông Nguyễn Văn Tông - Tổng biên tập ký và đóng dấu. Công an phường Minh Xuân đang tạm giữ thẻ phóng viên này để xác minh, làm rõ thông tin.
Đối tượng Lê Đình Hưởng (đội mũ, mặc áo sơ mi da báo).
Trước vụ việc trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng biên tập Tạp chí TTPT khẳng định cơ quan không có phóng viên tên là Lê Đình Hưởng và đây là hành vi mạo danh phóng viên của tòa soạn. Việc mạo danh với bất kỳ mục đích gì cũng là trái với quy định của pháp luật. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang điều tra làm rõ việc mạo danh phóng viên tạp chí của ông Hưởng là nhằm mục đích gì? Từ đâu mà ông này có thẻ phóng viên của tạp chí? Mục đích của người ký và cấp thẻ cho ông này là gì? Đồng thời, ông Vinh cũng cho biết, người ký tên và đóng dấu vào thẻ phóng viên của ông Hưởng là ông Nguyễn Văn Tông, trước đây là Tổng biên tập của tạp chí, tuy nhiên hiện nay, ông này không còn đương chức. Việc Tổng biên tập ký và cấp thẻ phóng viên là sai quy định bởi chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông mới được phép cấp Thẻ nhà báo.
Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang tiếp tục điều tra làm rõ.
Vấn đề không mới nhưng làm gì để tránh nhà báo giả lộng hành?
Thực ra việc xuất hiện kẻ mạo danh báo chí không phải là vấn đề mới, đặc biệt trong thời gian gần đây đã có nhiều kẻ xấu mạo danh phóng viên với nhiều thủ đoạn khác nhau để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ thì dùng thẻ nhà báo giả để “xin xỏ” cảnh sát bỏ qua lỗi vi phạm giao thông, nặng hơn thì dùng thẻ nhà báo giả để lừa đảo, tống tiền doanh nghiệp, táo tợn hơn có những đối tượng còn quay clip để tống tiền cả cảnh sát… Có thể kể ra nhiều trường hợp như gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa vừa có công văn thông báo về việc đối tượng Trần Quốc Huy mạo danh phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Thi đua - Khen thưởng đến các đơn vị trên địa bàn “xin tiền” làm đĩa DVD tuyên truyền, đăng tin quảng cáo; Hay mới đây, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã mở phiên xét xử hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Trường Quang (33 tuổi, trú tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) - kẻ giả danh phóng viên Báo Tuổi Trẻ tống tiền CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh 5 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Dù pháp luật đã có chế tài nghiêm khắc để răn đe các hành vi dùng thẻ giả, mạo danh nhà báo để trục lợi, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản... nhưng một vấn đề khiến cho hiện tượng này khó bị triệt tiêu chính là xuất phát từ vai trò, quyền lực của báo chí trong nền kinh tế. Báo chí có vai trò phản ảnh tiêu cực, góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội. Vì vậy, rất nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng có sự “e dè” nhất định khi va chạm, đấu tranh với các đối tượng truyền thông mạo danh này. Họ khó có điều kiện xác định ngay lập tức về việc liệu những người tham gia có phải là phóng viên truyền hình thật sự hay không. Thêm nữa, hiện nay, các đối tượng vi phạm ngày càng có thể dễ dàng ngụy tạo, làm giả thẻ nhà báo với mức độ giống gần như thật (chỉ thiếu hồ sơ), làm giả giấy giới thiệu, công văn có đóng dấu đỏ (giả mạo)… khiến cơ quan chức năng và người dân càng khó có điều kiện phát hiện ra ngay sự giả mạo.
Thiết nghĩ, để tránh vấn nạn nhà báo “giả” lộng hành, bên cạnh việc các cơ quan báo chí cần siết chặt việc quản lý hồ sơ cấp thẻ nhà báo, hay cấp giấy giới thiệu, giấy xác nhận cán bộ… thì các tổ chức, cơ quan và người dân cũng cần hết sức cảnh giác với nạn mạo danh báo chí để trục lợi, chẳng hạn khi làm việc với phóng viên các cơ quan báo chí cần lưu ý: Yêu cầu xuất trình Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp theo quy định tại Luật Báo chí 2016; ghi lại họ tên và số thẻ, tên cơ quan báo chí để thuận tiện trong việc xử lý lại thông tin khi được đăng trên các phương tiện thông tin, nhưng có nội dung không đúng với nội dung đã được cung cấp. Đối với phóng viên chưa có Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp (kể cả cộng tác viên) thì phải có giấy giới thiệu do Ban biên tập ký, ghi rõ họ và tên, cơ quan chủ quản, nội dung và thời gian phóng viên được cử đến làm việc; lưu lại giấy giới thiệu của phóng viên, cộng tác viên để có cơ sở xử lý thông tin khi cần thiết. Trong trường hợp không có Thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu thì từ chối tiếp, làm việc; trường hợp có nghi vấn mạo danh phóng viên, nhà báo thì phải kịp thời phản ánh đến cơ quan công an cùng cấp, Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý theo quy định.