Cảnh giác tin đồn thất thiệt trên facebook

14-06-2017 06:36 | Pháp luật

SKĐS - Có thể thấy rằng, tình trạng đưa tin thất thiệt lên facebook, lên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong thời gian qua.

Có thể thấy rằng, tình trạng đưa tin thất thiệt lên facebook, lên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong thời gian qua. Nhiều khi người đưa thông tin ban đầu không hình dung được những hậu quả pháp lý nặng nề mà họ phải gánh chịu nên cứ làm bừa chỉ với mục đích phù phiếm là câu like, câu view. Đến khi bị cơ quan chức năng truy tìm, xử lý thì lúc đó họ mới hối hận, nhưng đã quá muộn.

Tung tin đồn để “câu like”, bán hàng

Công an quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng vừa điều tra làm rõ đối tượng sử dụng facebook tung tin đồn thất thiệt về 2 vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn. Cụ thể, theo Đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã điều tra làm rõ đối tượng sử dụng facebook tung tin đồn thất thiệt về 2 vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn, gây hoang mang dư luận. Công an quận đang củng cố hồ sơ xử phạt hành chính các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cảnh giác tin đồn thất thiệt trên facebookMột đối tượng tung tin đồn thất thiệt, mê tín dị đoan trên facebook bị Cơ quan công an điều tra làm rõ.

Theo đó, thông tin thất thiệt đầu tiên xuất hiện trên facebook Ngọc Nguyễn của Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, trú tổ 31 phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu). Lúc 18h53 ngày 6/6, Ngọc đưa lên facebook cá nhân một status có nội dung: “Mới hóng được 2 câu chuyện bắt cóc con nít ở Hòa Khánh nè mọi người. Em kể sơ cho các mẹ để đề phòng cẩn thận. Một vụ bên đường tàu đoạn Ngô Thì Nhậm ra biển, bà mẹ chở con ngồi trên xe đang đi mà hắn để ý đi ngang qua giật luôn. Còn một vụ ngay khu giải trí Chơn Tâm, có thằng cu nhỏ đang chơi bị một bà bịt mặt tới bồng bỏ chạy. May là cả 2 vụ đều được người dân bắt lại giao công an xử lý. Bà đó khai đi chung cùng 7 người, những người đó đang lảng vảng ở các khu vực khác...”.

Nội dung này ngay sau đó được Phạm Thị Minh Trang (26 tuổi, trú quận Thanh Khê) sao chép về facebook Changg Pham của mình và được hàng chục lượt chia sẻ, hàng trăm người đã ấn “like” khiến thông tin càng lan rộng, gây hoang mang trong dư luận. Công an quận Liên Chiểu đã mời Nguyễn Thị Ngọc và Phạm Thị Minh Trang đến làm việc. Trang khai, tình cờ đọc được thông tin nói trên từ mạng xã hội nên đăng lại với mục đích cảnh báo các bà mẹ có con nhỏ. Còn Ngọc khai nhận, tự nghĩ ra nội dung vụ việc và đăng tải lên trang facebook cá nhân nhằm thu hút sự chú ý để bán hàng online.

Trước đó, vào ngày 9/6, trên mạng xã hội chia sẻ rộng rãi đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bị người dân vây quanh giữ tại đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) và “cáo buộc” người này vừa ép xe một phụ nữ để bắt cóc cháu bé đi cùng. Sau khi đoạn clip được đăng tải, nhiều người bày tỏ lo lắng vì nghĩ rằng các đối tượng bắt cóc ngày càng táo tợn. Tuy nhiên, UBND phường Lạch Tray khẳng định, sự việc không phải bắt cóc như người dân đồn thổi. Theo xác minh của công an, nam thanh niên bị cho là kẻ bắt cóc và cô gái trong đoạn clip thực chất có quen biết nhau. Cháu bé cô gái bế là con riêng của cô gái. Trong biên bản khai với công an phường, cô gái và nam thanh niên đều khai nguyên nhân xích mích không liên quan đến cháu bé.

Hãy có trách nhiệm với những gì mình viết trên mạng xã hội

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, những thông tin liên quan đến việc bắt cóc trẻ em chưa được kiểm chứng được một số cá nhân đưa lên mạng facebook trong thời gian qua, thậm chí tung tin sai sự thật không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội mà còn gây mất thời gian, công sức của Cơ quan công an khi xác minh, làm rõ sự thật. Điều đáng lên án là ngoài một số người đưa thông tin một cách vô thức hoặc do nhận thức còn hạn chế thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, tin giật gân nhằm mục đích câu like, thu hút quảng cáo, tăng lượng truy cập cho những trang facebook bán hàng online đang có xu hướng lan truyền như một “bí quyết” của những người kinh doanh vô đạo đức. Thượng tá Hà Thị Hằng nhận định, việc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội facebook thường nhằm vào những vấn đề “nóng” trong xã hội được mọi người quan tâm như dịch bệnh nguy hiểm, bắt cóc trẻ em... Thậm chí một số vụ án được dư luận quan tâm đang trong quá trình điều tra, truy bắt thủ phạm cũng được các đối tượng lợi dụng tung tin đã bắt được thủ phạm để câu like, câu view. Bên cạnh công tác điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận của các cơ quan chức năng, thì bản thân người dùng facebook cần có ý thức, có trách nhiệm, có đạo đức với những gì mình viết và đăng trên mạng xã hội.

Xoay quanh vấn về này, theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng nhận định,  với sức lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội thì những tin đồn thất thiệt rất dễ gây ra những hệ lụy ghê gớm cho xã hội. Hành vi đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật về các vụ việc bắt cóc trẻ em lên các trang mạng xã hội của một số đối tượng là hành vi bị nghiêm cấm. Người nào thực hiện hành vi đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ, mục đích mà có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trước tình hình này, người dân cũng cần cảnh giác với những tin đồn thiếu cơ sở. Mỗi người dân cần tích cực cộng tác, phối hợp với cơ quan chức năng, lên án những hành vi cố tình lan truyền thông tin thất thiệt gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và trật tự xã hội.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn
Tags: