Thời điểm cận Tết cũng chính là dịp các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... được dịp trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ.
Thực phẩm bẩn ồ ạt tấn công thị trường Tết
Hiện tại, dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, sức mua của người tiêu dùng gia tăng đáng kể. Nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành vấn đề “nóng”. Nhất là thời gian ngắn trở lại đây, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội liên tiếp bóc gỡ các vụ việc liên quan đến kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Điển hình là vụ chặn đứng gần 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc đang chuẩn bị “tuồn” ra thị trường. Cụ thể, sáng ngày 13/1, Đội quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội cảnh sát môi trường (Công an quận Hoàn Kiếm) kiểm tra lô hàng củ cải khô đang tập kết tại vỉa hè trước cửa nhà số 4, ngõ 40, đường Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân. Toàn bộ lô hàng này được đóng gói trong túi bóng, bọc ngoài bao tải, trên túi ghi chữ Trung Quốc. Tổng khối lượng số hàng là 1930 kg. Chủ hàng đã không đưa ra được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của 1930 kg củ cải nói trên.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, qua kiểm tra tại khu vực chợ Đồng Xuân, tổ công tác đã phát hiện 2 lô hàng hoa quả khô, váng đậu không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ và tiêu huỷ số hàng trên, đồng thời phạt hành chính đối với các chủ lô hàng.
Các loại thực phẩm như: ô mai, váng đậu, hoa quả sấy khô…vào thời điểm hiện tại cũng đang trở thành thực phẩm được nhiều người tiêu dùng tìm mua và sử dụng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây đó chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi chỉ trong vòng một thời gian ngắn, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Theo báo Công an Nhân dân Online, chỉ tính riêng trong ngày 12/1, Đội QLTT số 2 đã phát hiện, xử lý 3 vụ kinh doanh thực phẩm nhập lậu. Tang vật thu giữ gồm 23kg hoa quả khô, 100kg ô mai và 70kg váng đậu… các loại.
Trong Nam, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang nóng lên. Bởi theo báo Hà Nội Mới, gần Tết Nguyên đán, thực phẩm bẩn từ khắp nơi... ồ ạt "tập kết" về TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, mỗi ngày lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm lô hàng thực phẩm bẩn hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chỉ trong vòng một tuần qua, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM đã phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy 18.767kg phụ phẩm trâu, bò; 700kg phụ phẩm heo, 700kg thịt lợn cùng nhiều gia cầm không rõ nguồn gốc; trong đó nhiều lô hàng chứa thịt và phụ phẩm đã bốc mùi hôi thối. Cũng trong thời điểm này, Trạm thú y quận 9 TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ lô hàng 165 con lợn sữa bốc mùi hôi thối trong khi chủ xe hàng tìm cách né tránh trạm kiểm dịch; Trạm thú y quận 12 cũng phát hiện gần 300kg mỡ lợn bẩn, 14.000 trứng, hơn 100kg thịt bê không rõ nguồn gốc được vận chuyển trên địa bàn.
Ngoài thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời gian gần đây một lượng lớn thịt bò, lợn bơm nước để tăng trọng lượng đã ồ ạt tuồn vào TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, Trạm thú y quận Tân Bình phát hiện hơn 2 tấn thịt bò bơm nước nhập từ Long An.
Cũng liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, ngày 16/1, Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Cơ quan phía Nam (C49B, Bộ Công an) và cơ quan Quản lý thị trường TP.HCM, đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh măng tươi đối với 3 cơ sở tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM, để tiếp tục làm rõ hành vi "đầu độc" người tiêu dùng. Quá trình theo dõi trước đó nhiều ngày, cảnh sát phát hiện 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh măng tươi bên Quốc lộ 1A, có dấu hiệu dùng hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm tẩm măng.
Chủ cơ sở khai nhận, cứ 200 lít nước ngâm 100 kg măng, bà pha một muỗng cà phê hóa chất. Măng ngâm trong dung dịch này khoảng 12 giờ có thể bảo quản trong 2 năm. Làm việc với cảnh sát, chủ các cơ sở khai thu mua măng từ Lâm Đồng giá 8.000 đồng/kg, đem về chế biến, ngâm tẩm hóa chất và bán ra thị trường giá 12.000 đồng/kg.
Mẹo chọn thực phẩm sạch ngày Tết
Việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện những mặt hàng bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người dân có tâm lý hoang mang. Đặc biệt là trong thời điểm cận Tết nguyên đán này, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhiều người tăng cao. Câu hỏi đặt cho nhiều người tiêu dùng đó là làm sao để kiểm tra chất lượng sản phẩm khi mua sắm, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng đang ồ ạt trên thị trường?
Sau đây là một số lưu ý cho chị em để chọn được thực phẩm an toàn, chất lượng:
Thịt gà, ngan, vịt
Vớt thịt làm sẵn nên chọn loại có màu sắc tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi), mắt sáng. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền.
Thịt lợn
Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, khi lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Chọn thực phẩm chín
Với thịt chế biến sẵn (như thịt quay) phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Thịt lợn quay, vịt quay, chọn thịt có mùi thơm đặc trưng, thớ thịt săn khô dính sát vào da, thịt vẫn còn nóng và treo trong tủ kính.
Đồ hộp
Chọn loại 2 nắp hộp bị lõm vào, gõ vào có tiếng kêu đanh. Nếu nắp hộp phình ra, gõ vào tiếng kêu bịch bịch thì đồ hộp đã bị hỏng. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra bằng cách nhúng hộp vào chậu nước ở 70-80 độ C, lấy tay đè xuống xem có bọt khí nổi lên không, nếu không thì thực phẩm đã bị hỏng.
Chọn cá, hải sản
Đối với cá và hải sản, tốt nhất nên mua cá tôm đang còn sống, đang bơi trong nước. Cá tươi có miệng ngậm kín. Thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Trôn cá thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép.
Rau, quả
Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như “quá mập”, “quá phồng” hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng, cần nhặt riêng lá và cọng rau, ngâm trong nước sạch 15-20 phút, sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập, nát.
Thu An(Tổng hợp)