Mới đây nhất, cơ quan công an đã làm rõ thủ đoạn lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng rất tinh vi của các đối tượng người Trung Quốc.
Tạm giữ 3 đối tượng người Trung Quốc đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng
Thông tin từ Công an TP. Vinh cho biết đang tạm giữ 3 đối tượng người Trung Quốc về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, đối tượng Yang Chang Cai (Dương Trường Tài, SN 1986) là người cầm đầu, chỉ đạo 2 đối tượng còn lại gắn các thiết bị điện tử vào cây ATM nhằm lấy thông tin, dữ liệu của khách hàng để chuyển về cho cho Dương Trường Tài. Từ đây, dữ liệu được Tài gửi về Trung Quốc để giải mã, rồi các đối tượng ở Trung Quốc sản xuất thẻ ATM giả gửi về cho các đối tượng Trung Quốc ở Việt Nam để đến các cây ATM rút tiền của khách hàng.
Công an TP Vinh làm việc với đối tượng Lian Yu (Luyện Vũ).
Dương Trường Tài giao nhiệm vụ cho Deng Cong Cong (Đặng Thông Thông, SN 1990) đi gắn thiết bị. Một camera mini được gắn vào tấm chắn bảo vệ bàn phím của cây ATM để lấy mật khẩu khách hàng, một thiết bị điện tử khác được gắn vào khe cắm thẻ, mục đích để lấy thông tin cá nhân của khách hàng, quá trình thực hiện chỉ mất 1 phút. Sau khi gắn xong thì đối tượng Lian Yu (Luyện Vũ, SN 1984), có nhiệm vụ đi lấy các thiết bị về và chuyển cho Dương Trường Tài. Quá trình lấy thông tin của khách hàng chỉ mất 4 - 6 tiếng đồng hồ. Các đối tượng thường gắn thiết bị vào giờ buổi chiều và tối, thời điểm này người dân thường rút tiền tại các cây ATM.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội ở Nghệ An, nhóm đối tượng trên đã thực hiện thành công 2 lần cài đặt các thiết bị điện tử vào máy ATM của một ngân hàng trên địa bàn phường Hưng Dũng, TP. Vinh nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản của khách hàng. Thông tin về khách hàng sẽ được chuyển về Trung Quốc để giải mã, làm giả các thẻ ATM để gửi về Việt Nam, từ đây các đối tượng sử dụng thẻ này để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Các dụng cụ để đối tượng gắn các thiết bị vào cây ATM.
Đủ chiêu trộm cắp
Theo ông Lê Thanh Hà, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro, Hội thẻ Ngân hàng cho biết, năm 2018 và đầu năm 2019 các ngân hàng đã phải đối mặt với làn sóng đánh cắp thông tin thẻ (skimming) quy mô lớn. Đây là loại hình tội phạm gây thiệt hại lớn nhất (chiếm 96%) trong các loại hình gian lận tại ATM. Với thủ đoạn skimming, tội phạm sẽ gắn thiết bị đánh cắp thông tin (skimmer) vào khe đọc thẻ của máy ATM. Khi khách hàng giao dịch trên ATM đó, thông tin sẽ nhanh chóng bị sao chép. Cụ thể, để rút được tiền, kẻ tấn công phải có được 2 loại thông tin là thông tin trên thẻ ATM và mã PIN. Đối với thẻ từ, dữ liệu của thẻ được lưu vào một dải băng màu đen (hoặc nâu, xám) có từ tính. Các thông tin này chỉ được mã hóa 1 lần và các thiết bị đọc/ghi thẻ có thể thay đổi dữ liệu trên đó. Đây chính là kẽ hở để tội phạm khai thác nhằm đánh cắp thông tin.
Các thiết bị skimmer thường được thiết kế giống như khe đọc thẻ của ATM nhưng to hơn nhằm gắn đè lên khe đọc thẻ. Khi người dùng đưa thẻ vào, thông tin lưu trữ sẽ đi qua skimmer và bị sao chép rồi mới tới khe đọc thẻ thực sự của máy rút tiền. Để có được mã PIN của người dùng, kẻ tấn công thường sử dụng 2 cách: cài camera quay lén hoặc dùng bàn phím giả (skimmer keypad). Với cách thứ nhất, kẻ tấn công gắn camera siêu nhỏ ở vị trí thuận lợi nhằm quay lại thao tác bấm phím của nạn nhân. Còn cách thứ hai, một bàn phím giả được chồng lên bàn phím thật. Khi người dùng nhập mã PIN, các số này cũng bị ghi lại để gửi cho tội phạm. Sau khi đánh cắp được thông tin, dữ liệu sẽ được tội phạm sẽ dùng để làm thẻ giả.
Hiện nay, các thiết bị phục vụ skimming ngày càng hiện đại, tinh vi hơn như có thể kết nối Bluetooth, thậm chí trang bị SIM để lấy cắp thông tin từ xa mà không phải đến trực tiếp ATM. Đáng nói, skimming không chỉ bị đặt tại các ATM mà nó còn có thể xuất hiện trên các máy quẹt thẻ tại điểm bán hàng (POS). Tại Việt Nam, theo cơ quan công an, thời gian qua và dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm thẻ với thủ đoạn skimming, đặc biệt là tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) sang Việt Nam thực hiện hành vi tội phạm này sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để đảm bảo không bị đánh cắp thông tin thẻ, chủ thẻ ATM tuyệt đối không nhờ người khác rút hộ tiền; không dùng thẻ ATM để thế chấp cầm đồ; không đặt mật khẩu bằng những dãy số dễ nhớ... Trong trường hợp bị lộ mật khẩu, cần kịp thời đổi lại. Khi giao dịch tại máy ATM, người dùng nên cảnh giác khi thực hiện các thao tác. Cần quan sát đầu đọc thẻ, bàn phím của ATM hay POS xem nó có bị xộc xệch, xuất hiện vết băng keo hay có dấu hiệu sửa chữa hay không. Kiểm tra kỹ khi thấy điểm bất thường nghi là camera được gắn trên thân máy ATM...