Hà Nội

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan báo chí để trục lợi

02-12-2019 06:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Với thủ đoạn cắt ghép, dán các mẫu quảng cáo sản phẩm liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào các bản tin VTV hay các cơ quan báo chí có uy tín, được tung lên các trang mạng xã hội nhằm tạo sự thu hút của người dân, nhiều nhãn thuốc Đông y và TPCN giả mạo đã bán tới tay người dân.

Làm clip phóng sự để lừa đảo

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các phóng sự, bản tin giả, mạo danh các chương trình của VTV như các chương trình truyền hình, thực tế, thời sự... đã được tung lên các trang mạng xã hội và một số website nhằm mục đích tạo dựng lòng tin, tiếp cận người tiêu dùng để quảng cáo, chào bán sản phẩm, thu lời bất chính. Không khó để thấy trên các trang mạng xã hội facebook, website, zalo... xuất hiện các các dòng quảng cáo giả hiệu VTV.

Gần đây, một bản tin có gắn logo và hình ảnh phát thanh viên của VTV1 mà nhóm lừa đảo bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang và Phúc Trĩ An tung ra không phải do VTV1 đưa tin về sản phẩm này. Theo đó, bản tin gốc do VTV1 phát sóng diễn ra cách đây hơn 1 năm là hội thảo nghiệm thu đề tài khoa học của một viện y học cùng một trường đại học với nội dung đánh giá việc nghiên cứu lâm sàng tác dụng chữa bệnh đại tràng từ cây ngải tiên. Tuy nhiên, đáng nói là nhóm lừa đảo đã chỉnh sửa, cắt ghép nội dung chữa đại tràng thành chữa bệnh trĩ trên trang quảng cáo của mình cùng với hình ảnh phát thanh viên truyền hình. Với cách đưa thông tin sai lệch, cắt ghép clip có sử dụng hình ảnh VTV như vậy, nhóm đối tượng lừa đảo đã “giăng bẫy” khắp mạng xã hội lừa đảo bệnh nhân cả tin, trong đó có không ít bệnh nhân nghèo trở thành nạn nhân.

Tương tự, mới đây, hình ảnh của BTV khá nổi tiếng trong chương trình Việt Nam hôm nay phát sóng cũng đã bị một fanpage cắt ghép vào một clip quảng cáo sản phẩm giảm cân. Theo một phát thanh viên của VTV, không chỉ BTV Xuân Anh mà hình ảnh của một số người dẫn chương trình khác cũng được các trang facebook cắt ghép vào clip để quảng cáo sản phẩm. Thậm chí, các trang mạng này còn lấy lại cả logo, hình ảnh của trường quay thời sự và dán thông tin sản phẩm quảng cáo của mình lên đó.

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan báo chí để trục lợiHình ảnh VTV được dán ghép để quảng cáo cơ sở khám chữa bệnh da liễu.

Không chỉ cắt ghép, đưa thông tin sai lệch mà các đối tượng lừa đảo còn mạo danh VTV làm hẳn phóng sự truyền hình để thực hiện các mục đích gian dối của mình. Tuy không biết nguồn gốc và công hiệu của thuốc này như thế nào nhưng do tin tưởng vào thông tin do VTV thực hiện nên không ít người dân đã dính quả lừa vì thực chất phóng sự này không phải ê-kíp phóng viên của VTV thực hiện và cũng chưa từng được phát sóng trên đài truyền hình...

Mạo danh để quảng cáo, bị xử lý như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý sẽ là vi phạm pháp luật. Ngoài mức phạt tiền, người vi phạm còn buộc tháo gỡ quảng cáo, thậm chí là phạt tù. Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định “quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Nói về vấn đề này, một luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Cụ thể

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan báo chí để trục lợiTrang Fanpage mạo danh báo Sức khỏe&Đời sống điện tử để trục lợi.

Về xử phạt hành chính: Hành vi tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, cắt ghép logo, hình ảnh để mạo danh cơ quan, tổ chức khác có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về “Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định”; “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm”.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Dân sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, tùy mức độ, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Về phía khách hàng, trong trường hợp sau khi xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.


Minh Anh
Ý kiến của bạn