Prednisolone là một loại thuốc thuộc nhóm corticosteroid. Do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên thuốc được dùng trong điều trị rất nhiều bệnh, như các bệnh về khớp, hen, ung thư, các bệnh về máu... và có bệnh phải dùng thuốc kéo dài. Trong quá trình dùng thuốc trị bệnh, nhất là khi dùng liều cao, kéo dài, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nhẹ như khó tiêu, mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động, nặng hơn như loét dạ dày - tá tràng, mất ngủ, đái tháo đường, đau khớp, tăng huyết áp... mà cả bác sĩ và bệnh nhân cần đề phòng, khắc phục nếu gặp phải. Người bệnh cần nhận biết được các biến cố này để thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc, prednisolon nói riêng và corticoid nói chung sẽ ức chế hoạt động của trụ đồi - tuyến yên - thượng thận. Nếu ngừng thuốc đột ngột (ngừng ngay thuốc) sẽ làm cho tuyến này chưa kịp hoạt động trở lại một cách bình thường sẽ gây ra nhiều tai biến. Nguy hiểm nhất là suy tuyến thượng thận cấp (với các biểu hiện trên lâm sàng thường gặp như rối loạn tiêu hóa: đau thượng vị, buồn nôn, nôn; rối loạn tâm thần: mệt lả đến hôn mê, hoặc ngược lại kích thích, nói sảng, lẫn lộn; trụy tim mạch, huyết áp hạ nhanh chóng, tay chân lạnh, mạch nhỏ, nhanh...) dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong.
Do đó, để khắc phục những tác dụng phụ này cần phải giảm liều từ từ để cho tuyến thượng thận có thời gian thích nghi và trở lại hoạt động bình thường. Chế độ giảm liều này người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể áp dụng quy trình giảm liều của prednisolon là: cứ 3 đến 7 ngày giảm một lần cho đến khi đạt liều sinh lý trong cơ thể. Trường hợp bệnh xấu đi khi giảm thuốc, thì điều chỉnh tăng liều prednisolon và sau đó lại giảm liều prednisolon từ từ hơn, trước khi ngừng hẳn.