Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật.
Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ polyp túi mật
Có rất nhiều các yếu tố được cho là có liên quan việc hình thành polyp túi mật như: chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không điều độ, nhiễm virut viêm gan… Nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.
Thực phẩm có liên quan tới sự hình thành polyp túi mật. Polyp túi mật là bệnh đa phần lành tính, nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp.
2. Polyp túi mật khi nào có nguy cơ cao chuyển thành u ác tính?
Polyp túi mật thường phát triển thầm lặng, đôi khi không gây bất kỳ triệu chứng gì cho người bệnh. Bệnh chỉ được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe và siêu âm tổng quát. Nhưng cũng như sỏi mật, polyp túi mật có thể sẽ gây tắc nghẽn làm ứ trệ dịch mật, từ đó gây một số biểu hiện đặc trưng như:
- Đầy chướng, khó tiêu;
- Đau tức mạn sườn phải;
- Người bệnh có thể buồn nôn và nôn, đặc biệt khi ăn thức ăn chiên xào, nhiều cholesterol.
Dù rất hiếm gặp, nhưng khả năng polyp túi mật phát triển thành u ác tính và gây nguy hiểm cho sức khỏe vẫn nằm trong khoảng hơn 8%. Polyp túi mật ác tính thường sẽ có đặc điểm khác biệt rất dễ nhận biết so với lành tính.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, tuổi tác có liên quan đến việc phát triển polyp thành u ác tính. Theo đó, những trường hợp polyp bất thường, khả năng phát triển ác tính cao như:
- Polyp phát triển nhanh bất thường. Dễ dàng lan rộng hoặc tăng thêm về số lượng cũng như kích thuốc trong thời gian ngắn.
- Polyp phát triển ở người có độ tuổi trên 50.
- Polyp có triệu chứng và gây viêm túi mật thường xuyên.
- Người bệnh viêm xơ tiểu đường mật có polyp túi mật, bất kể kích thước và hình thái.
- Ngoài ra, polyp bất thường, khả năng phát triển ác tính cao, kích thước polyp lớn (hơn 10mm); Polyp kích thước nhỏ, nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật (đa polyp) hoặc một polyp và polyp có chân rộng (polyp không cuống.
3. Cần làm gì?
Khi khám định kỳ phát hiện ra polyp túi mật ngoài việc kiểm tra định kỳ theo chỉ định bác sĩ để theo dõi sát sự phát triển của polyp cũng như những triệu chứng polyp gây ra là điều người bệnh cần làm lúc này.
Thông thường nếu nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau sốt... thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay 1 năm để khẳng định.
Nếu sau thời gian đó mà không còn hình ảnh của polyp thì không cần phải xử trí gì. Trường hợp hình ảnh polyp rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10mm, hoặc có phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau sốt tái phát nên chỉ định phẫu thuật sớm.
Ngày nay, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ polyp túi mật trong cộng đồng dao động từ 0,03% đến 9%. Nếu so với sỏi túi mật thì polyp túi mật ít gặp hơn sỏi túi mật. Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40mm, hay vừa có polyp vừa có sỏi túi mật.
Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có hai loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ...; u giả như u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u... Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư...
4. Khuyến cáo cần thiết cho người bệnh phòng ngừa polyp ác tính
Khi có bất kỳ nghi ngờ polyp là ác tính, cần liên tục theo dõi trong ít nhất 6 tháng sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, không chỉ polyp túi mật mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác. Đặc biệt ở những người có độ tuổi trên 50.
Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần có một chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít cholesterol và thường xuyên vận động cơ thể có thể giúp làm chậm sự phát triển về số lượng và kích thước polyp.
Cuối cùng, giữ một tinh thần thoải mái và luôn trang bị đầy đủ kiến thức để chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh, tăng cường chức năng gan mật là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Mời xem video được quan tâm:
Đừng để cháy nắng làm hỏng làn da của bạn | SKĐS