Cũng giống như trong những điều kiện thông thường, massage, xoa bóp bấm huyệt cho phụ nữ có thai có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, đẩy lùi nhiều triệu chứng bệnh khó chịu.
Bên cạnh đó, đây còn là một phương pháp giúp phụ nữ có thai tăng cường sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, giảm sưng, phù nề, đặc biệt ở vùng bàn chân, giảm triệu chứng táo bón, giảm đau lưng và đau cơ…
Tuy có nhiều tác dụng với phụ nữ có thai, nhưng cơ thể người phụ nữ khi có thai sẽ có những biến đổi, đòi hỏi việc tác động phải có những lưu ý riêng.
Đông y từ xa xưa đã chỉ ra một số vị trí huyệt đạo không nên tác động đối với phụ nữ có thai, không chỉ khi thực hiện các kỹ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, mà trong cuộc sống hằng ngày phụ nữ trong thời gian mang thai cũng nên hạn chế tác động lên những vị trí này.
1. Phụ nữ có thai không nên bấm huyệt hợp cốc
Huyệt hợp cốc nằm ở bờ ngoài, giữa xương bàn ngón 2. Khi khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ giữa ngón trỏ và ngón cái. Đây là một huyệt được sử dụng vô cùng rộng rãi trong Đông y.
Châm cứu Đông y có những quan điểm khác nhau về việc sử dụng thủ pháp bổ - tả huyệt hợp cốc điều trị bệnh cho phụ nữ có thai nhưng nếu không phải là người có chuyên môn trong quá trình mang thai chúng ta không nên tự ý tác động lên vị trí huyệt này.
Tác động lên huyệt hợp cốc có thể thúc đẩy co thắt tử cung, làm thai nhi không ổn định, có thể gây sảy thai hoặc sinh non.
Day ấn huyệt hợp cốc không tốt cho phụ nữ có thai.
2. Tam âm giao
Huyệt tam âm giao nằm ở vết lõm bờ sau của xương chày, từ điểm cao nhất của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn, tức khoảng bề ngang của 4 ngón tay. Huyệt tam âm giao có các tác dụng như dưỡng âm, điều hòa thần kinh, điều hòa huyết áp, tăng cường chuyển hóa…
Huyệt này theo Đông y còn có tác dụng thúc đẩy co thắt tử cung, một khi tác động lên huyệt này nếu thai nhi không ổn định, có thể gây sảy thai hoặc sinh non, vì vậy đây là một trong những vị trí không nên tác động với phụ nữ mang thai.
Vị trí huyệt tam âm giao.
3. Chí âm
Huyệt chí âm ở bờ ngoài ngón chân út, cách góc chân móng 0,2 thốn, trên đường tiếp giáp da gan chân - mu chân. "Chí" có nghĩa là đã đạt đến tận cùng, "cùng tắc biến" vì vậy theo Đông y, huyệt chí âm có tác dụng điều chỉnh lại ngôi thai không đúng.
Châm cứu huyệt chí âm có thể thay đổi ngôi thai trong vòng 5 - 7 ngày. Huyệt này có những tác động rất mạnh mẽ lên thai nhi, vì thế đây cũng là một vị trí huyệt không nên tự ý tác động trong quá trình mang thai.
Kể cả với các tình trạng ngôi thai không thuận, phụ nữ có thai vẫn nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia và không tự ý bấm huyệt chí âm để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Huyệt chí âm trên bàn chân.
4. Thái xung
Huyệt thái xung ở sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1, 5 thốn, trong chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.
Huyệt thái xung có tác dụng bình can, thanh can, điều khí, hoạt huyết hóa ứ, tuy nhiên trên phụ nữ có thai huyệt này cũng có thể gây động thai, làm thai nhi không ổn định, không nên tác động trong thời gian mang thai.
Huyệt thái xung.
5. Dũng tuyền
Dũng tuyền là huyệt rất quan trọng trên kinh thận, nằm ở gan bàn chân, khi co bàn chân và các ngón chân lại, dưới bàn chân có một điểm lõm xuống, cách ⅓ trước gan bàn chân, đó chính là vị trí huyệt dũng tuyền.
Huyệt dũng tuyền là huyệt được ứng dụng rất nhiều trong Đông y với các tác dụng như khai khiếu tỉnh thần, giáng nghịch, tả hỏa, hồi dương cứu nghịch…
Tuy nhiên đây là huyệt có cảm giác kích thích mạnh, nhấn mạnh vào sẽ rất đau, cảm giác đau thậm chí có thể ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy không nên tác động quá mạnh vào huyệt này trong quá trình mang thai.
Day ấn huyệt dũng tuyền không tốt cho phụ nữ có thai.
6. Độc âm
Huyệt độc âm nằm ở lòng bàn chân, chính giữa nếp gấp thứ nhất của ngón chân thứ 2. Trong thời cổ đại, với những trường hợp khó sinh huyệt này được sử dụng để hỗ trợ sinh sản, giúp thúc đẩy quá trình chuyển dạ, trục thai ra ngoài, chính vì thế trong những hoàn cảnh thông thường thai phụ không nên tác động vào vị trí huyệt này khi đang mang thai.
7. Kiên tỉnh
Huyệt kiên tỉnh nằm ở chỗ lõm trên vùng vai, là điểm giữa của đường nối từ cột sống giữa lưng đến đỉnh vai. Huyệt kiên tỉnh là điểm kích hoạt có tác dụng tăng sức cơ tử cung, đối với phụ nữ có thai, kích thích huyệt kiên tỉnh có thể làm thai khí đi xuống, gây sảy thai hoặc sinh non.
Huyệt kiên tỉnh.
Trong thời gian mang thai nếu không may bấm vào các vị trí huyệt trên, cần xem xét xem việc tác động có ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi hay không, lực bấm có thực sự mạnh hay không...
Nếu thai phụ có thể trạng yếu, đang trong giai đoạn thai nhi không ổn định, việc tác động lực mạnh vào các vị trí này có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn.
Thai phụ nên nghỉ ngơi và quan sát xem có xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, đau lưng, chảy máu hay không, nếu có các dấu hiệu bất thường, thai phụ nên đến các cơ sở y tế kiểm tra ngay để có phương án điều trị kịp thời.