Cảnh giác những bất lợi khi dùng thuốc trị rối loạn lo âu

04-10-2019 07:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Lo lắng bao hàm cảm giác lo âu, sợ hãi và không thoải mái... Mặc dù việc trải qua một số mức độ lo lắng đôi khi là bình thường nhưng lo lắng quá mức hoặc kéo dài có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu, cần phải dùng thuốc...

Tuy nhiên, việc dùng thuốc sẽ đi kèm với những nguy cơ có thể xảy ra, người bệnh cần lưu ý.

Để điều trị rối loạn lo âu, bác sĩ có thể dùng thuốc hoặc dùng thuốc kết hợp với liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc một loại trị liệu khác. Các loại thuốc trị rối loạn lo âu gồm:

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc

Mặc dù các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là một loại thuốc chống trầm cảm nhưng các bác sĩ thường kê đơn cho những người mắc chứng lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

SSRI hoạt động bằng cách ngăn chặn các tế bào thần kinh trong não tái hấp thu serotonin. Đây là một hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Các thuốc này bao gồm: citalopram, escitalopram, fluoxetine, paroxetine, sertraline... Những loại thuốc này thường bắt đầu có hiệu lực trong vòng 2 - 6 tuần, nhưng chúng không có tác dụng với tất cả mọi người. Để điều trị chứng lo âu, SSRI thường được sử dụng tối đa là 12 tháng, sau đó giảm dần liều lượng.

Bệnh nhân bị rối loạn lo âu nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp. Ảnh: TM

Bệnh nhân bị rối loạn lo âu nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp. Ảnh: TM

Tuy nhiên, các SSRI có thể gây ra một số bất lợi như: nhìn mờ, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, khô miệng, cảm thấy kích động hoặc bồn chồn, tăng cân, đau đầu, buồn nôn, rối loạn cương dương, các vấn đề về giấc ngủ, rối loạn dạ dày... Những bất lợi này thường giảm sau một vài tuần dùng thuốc.Trong trường hợp người bệnh không thể chịu đựng được hoặc các triệu chứng trên không giảm bớt, cần gặp bác sĩ. Có thể dùng thuốc với thức ăn để giảm thiểu tác dụng phụ hoặc uống trước khi đi ngủ trong trường hợp thuốc không ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) là một loại thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm, lo lắng. Bác sĩ cũng có thể kê đơn các thuốc này để điều trị một số tình trạng đau mạn tính.

Các loại thuốc này hoạt động bằng cách giảm sự tái hấp thu của não đối với các hóa chất serotonin và norepinephrine. Một số SNRI như: duloxetine, venlafaxine... Cũng như các thuốc SSRI, SNRI có thể mất vài tuần để có hiệu lực.

Các tác dụng phụ của SNRI cũng tương tự như các SSRI. Điều quan trọng là người bệnh cần nhận diện, theo dõi và phối hợp với bác sĩ để ứng phó kịp thời khi cần thiết.

Các thuốc an thần

Các thuốc này làm giảm các triệu chứng thể chất của sự lo lắng, chẳng hạn như cơ bắp căng thẳng. Những loại thuốc này có tác dụng thư giãn và tác dụng của chúng diễn ra trong vòng vài phút, bao gồm: alprazolam, diazepam, lorazepam... Mặc dù chúng có hiệu quả cao đối với các vấn đề ngắn hạn, nhưng các bác sĩ cũng rất thận trọng khi kê các benzodiazepin này vì chúng trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian và có thể gây nghiện. Do những rủi ro này, các chuyên gia khuyên rằng các bác sĩ không kê đơn sử dụng liên tục các thuốc benzodiazepin trong hơn 1 tháng. Một số người có thể dùng thuốc benzodiazepin để kiểm soát chứng lo âu ngắn hạn. Ví dụ, những người sợ bay có thể uống trước chuyến bay. Các benzodiazepine có thể được sử dụng cùng với SSRI trong vài tuần cho đến khi SSRI có hiệu lực.

Một số bất lợi cần đề phòng khi dùng nhóm thuốc này như: buồn ngủ, mệt mỏi, kém tập trung, suy giảm nhận thức và gây nghiện...

Các thuốc khác

Thuốc chẹn beta (một loại thuốc phổ biến cho những người bị tăng huyết áp và bệnh tim) cũng được các bác sĩ có thể kê toa ngoài chỉ định trị lo lắng trong một số tình huống.Thuốc chẹn beta làm giảm tác dụng của norepinephrine, có nghĩa là chúng có thể làm giảm một số triệu chứng thực thể của chứng lo âu. Các thuốc chẹn beta bao gồm atenolol, propranolol... Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc như: tay chân lạnh, phiền muộn, mệt mỏi, hạ huyết áp, tăng cân... Không dùng các thuốc này cho người mắc bệnh hen suyễn. Những người mắc bệnh tiểu đường nên thận trọng và nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro có thể xảy ra.

Các chất ức chế monoamin oxydase (MAOIs) là một trong những loại thuốc chống trầm cảm. Các bác sĩ có thể kê toa chúng ngoài chỉ định để điều trị các triệu chứng rối loạn hoảng sợ và ám ảnh sợ xã hội. Các loại MAOI bao gồm: isocarboxazid, phenelzine, selegiline... Tác dụng phụ tiềm tàng của các thuốc này bao gồm: táo bón, chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, đau đầu, huyết áp thấp...

Những loại thuốc này cũng có thể tương tác với một số loại thuốc khác cũng như một số loại thực phẩm và đồ uống. Vì vậy, bất cứ ai dùng MAOI nên hỏi bác sĩ của họ để biết danh sách đầy đủ các loại thuốc, thực phẩm và đồ uống mà họ cần tránh.

Những người bị rối loạn lo âu nên đi khám để tìm nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào từ việc dùng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để có được lời khuyên hoặc điều chỉnh thuốc thích hợp. Người bệnh không được tự ý ngưng dùng thuốc mà không có sự giám sát của bác sĩ bởi các thuốc này khi dùng kéo dài có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc nếu dừng thuốc đột ngột...


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn