Cảnh giác nhiễm toan lactic khi dùng metformin trị đái tháo đường týp 2

02-10-2019 15:27 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Vừa qua, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi đến các cơ sở y tế và cơ sở đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam yêu cầu cập nhật,

bổ sung thông tin về việc mở rộng sử dụng metformin trên một số bệnh nhân suy giảm chức năng thận và cập nhật các khuyến cáo cụ thể về việc sử dụng thuốc trên đối tượng bệnh nhân này trong tờ hướng dẫn.

Theo đó, nhiễm toan lactic là tình trạng cần quan tâm. Nhiễm toan lactic là một tai biến hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và thường gây tử vong cho bệnh nhân. Trong phần lớn các trường hợp xảy ra biến cố, metformin được coi là yếu tố tăng nặng do có tác dụng ức chế quá trình tân tạo glucose từ các cơ chất khác nhau, trong đó có lactat. Vì vậy, những bệnh nhân đang điều trị bằng metformin cần được rà soát và rất thận trọng với những yếu tố nguy cơ liên quan. Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên, như chuột rút, tình trạng yếu cơ, nhược cơ nặng, đau vùng bụng hoặc ngực, cần tạm dừng điều trị ngay và xác định nồng độ lactat trong máu.

Những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin trong quá trình giám sát thuốc hậu mãi xảy ra chủ yếu trên những bệnh nhân bị suy thận nặng. Nguy cơ tích luỹ metformin và nhiễm toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của suy thận bởi metformin được thải trừ chủ yếu qua thận. Vì vậy, trước khi khởi đầu điều trị với metformin cần ước tính mức độ lọc cầu thận (eGFR) của bệnh nhân, cũng như cần theo dõi mức lọc cầu thận ít nhất một năm một lần ở tất cả các bệnh nhân sử dụng metformin. Ở bệnh nhân có khả năng tăng nguy cơ suy thận (người cao tuổi), chức năng thận nên được đánh giá thường xuyên hơn.

Khi sử dụng đồng thời metformin với một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin đối với bệnh nhân suy giảm chức năng thận dẫn tới những thay đổi đáng kể về mặt huyết động, ảnh hưởng tới cân bằng acid và base hoặc làm tăng tích luỹ metformin, vì vậy cần cân nhắc và theo dõi bệnh nhân thường xuyên hơn…


Mai Hương
Ý kiến của bạn