Do đó, ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tránh lây lan và bùng phát...
Hà Nội: Không quyết liệt phòng chống, có thể xuất hiện đỉnh dịch SXH thứ 2
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh SXH của UBND TP Hà Nội diễn ra chiều ngày 11/10, PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc SXH tại Hà Nội liên tục giảm trong 8 tuần gần đây. Riêng trong tuần từ ngày 2 - 8/10, toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc SXH (giảm 160 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.501 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8/2017). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh SXH vẫn có diễn biến phức tạp.
Phát thuốc khử khuẩn và vệ sinh phòng dịch cho các hộ gia đình. Ảnh: ĐA
Dù Hà Nội đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, tại quận Hà Đông - một trong những đơn vị có số mắc giảm so với những tuần trước nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện 102/29.000 hộ gia đình có ổ bọ gậy, 30/88 công trường xây dựng có ổ bọ gậy, 25/123 khu vực công cộng có ổ bọ gậy... Hiện trên địa bàn còn nhiều khu đất trống không có người ở nên việc xử lý vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do thiếu nguồn nhân lực nên việc phun hóa chất phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn...
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đánh giá về tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn Hà Nội đã được khống chế và kiểm soát. Như vậy, giữa tháng 11/2017 có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh SXH nếu duy trì tốt và liên tục công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, hiện một số tỉnh phía Nam và khu vực miền Trung đang vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh SXH. Thêm vào đó, những ngày qua, thời tiết diễn biến cực đoan, dù hết hè nhưng mưa liên tục, nhiệt độ giảm không đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. “Chúng ta phải giữ nhịp độ phòng chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ 2 xuất hiện”, ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.
Đã ghi nhận trên 70.000 ca mắc tay-chân-miệng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 70 nghìn trường hợp mắc tay-chân-miệng (TCM). Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 4/10 ghi nhận 450 trường hợp mắc TCM, phân bố rải rác tại các quận/huyện/thị xã.
Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Theo Bộ Y tế, bệnh TCM là bệnh nhiễm virut cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.