Bên cạnh đó là 339 trường hợp bại liệt do vắc-xin biến đổi di truyền (cVDPV) xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một xu hướng đáng lo ngại của dịch bệnh trước bối cảnh mục tiêu thanh toán bại liệt trên toàn cầu đang tới gần.
Đặc biệt, theo cập nhật từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 17 trường hợp bại liệt hoang dại được ghi nhận, tăng 280% so với cùng thời điểm này năm 2019 (6 ca bệnh). Năm 2020 được dự đoán là năm bệnh bại liệt sẽ diễn biến phức tạp hơn nữa với sự gia tăng cả về số lượng, nguy cơ bùng phát dịch và khả năng xâm nhập các quốc gia trên thế giới.
Đưa trẻ đi uống vắc-xin để phòng bệnh.
Căn bệnh từng là nỗi ám ảnh
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta có thể đã không còn nhớ về bệnh bại liệt - căn bệnh có từ rất lâu trong lịch sử loài người và từng là một trong những nỗi khiếp sợ trên toàn cầu với hàng ngàn trường hợp tử vong và gấp nhiều lần con số đó để lại những di chứng tàn tật suốt đời.
Năm 1988, Tổ chức Y tế Thế giới đặt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Tại thời điểm đó, trên thế giới vẫn còn khoảng 350.000 bệnh nhân bị mắc bệnh bại liệt hoang dại tại 125 quốc gia. Đến năm 2013, sau 25 năm, số ca bại liệt đã giảm chỉ còn 417 trường hợp. Năm 2018, số ca bại liệt hoang dại chỉ còn 33 ca và hầu hết các nước được xác nhận thanh toán bệnh bại liệt hoang dại.
Ở Việt Nam, những năm trước khi có vắc-xin đã xảy ra các dịch lớn vào năm 1957-1959. Tỷ lệ bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân. Từ năm 1962, khi Việt Nam chế tạo thành công vắc-xin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV) thì tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra. Sau thống nhất đất nước 1975, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì và mở rộng diện triển khai, trong đó, trên 90% trẻ em được uống vắc-xin bại liệt mỗi năm. Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do virus bại liệt hoang dại gây nên.
Bệnh bại liệt có còn nguy hiểm?
Mặc dù theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, các trường hợp bại liệt hoang dại từ năm 2019 đến nay đều được ghi nhận tại Pakistan và Afghanistan là 2 quốc gia có tỷ lệ uống OPV thấp do ảnh hưởng của nhiều năm bất ổn về chính trị, tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập ca bệnh đến các quốc gia khác là hiện hữu. Bên cạnh các ca bại liệt hoang dại, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các ca bệnh bại liệt do virus biến đổi di truyền với trung bình hàng trăm ca mỗi năm. Năm 2019, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận 14 ca bệnh cVDPV, trong đó, riêng Philippine là 12 trường hợp. Ca bệnh gần nhất được ghi nhận tại Philippines ngay thời điểm đầu năm 2020 - một quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Đây là các trường hợp mắc bại liệt do virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin uống, đào thải qua phân ra môi trường bên ngoài và biến đổi kiểu gene và có khả năng gây bệnh trở lại ở những cộng đồng có tỷ lệ uống/tiêm vắc-xin bại liệt thấp. Mặc dù tỷ lệ này là rất rất nhỏ (chỉ 3-4 ca/1 triệu liều) nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dịch tại cộng đồng.
Một điểm nữa cần lưu ý trong bối cảnh ngày nay, khi kinh tế phát triển, sự thuận tiện trong việc giao thương và di chuyển không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới, việc mang theo mầm bệnh tại mỗi điểm đến khác nhau không phải là chuyện hiếm. Năm 2018, chỉ riêng đường hàng không, mỗi ngày trên thế giới có trên 13 triệu lượt người di chuyển qua các địa điểm khác nhau. Tại Việt Nam, năm 2019 có khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế nhập cảnh. Rõ ràng, nguy cơ xâm nhập các ca bại liệt từ mọi nơi trên thế giới vẫn thực sự rõ ràng nếu không có biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Các nghiên cứu cho thấy việc loại trừ bệnh bại liệt sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 40-50 tỷ USD, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp. Và những lợi ích nhân đạo sẽ được duy trì cho các thế hệ tương lai: không một đứa trẻ nào bị ảnh hưởng bởi căn bệnh khủng khiếp này.
Trẻ em phải được tiêm chủng đầy đủ
Nhờ thành quả duy trì tỷ lệ uống vắc-xin OPV cao trong liên tục nhiều năm nay, Việt Nam đã không còn ghi nhận bất kỳ trường hợp bại liệt nào kể từ ca bệnh cuối cùng tại Phú Yên vào năm 1997. Thành công đó là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên phần nào đó lại mang đến sự chủ quan trong một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ trong cộng đồng dẫn đến khuynh hướng tự nhiên không cần vắc-xin và tiêm chủng. Điều này sẽ may mắn nếu như bệnh đã được thanh toán trên toàn cầu hoặc được một cộng đồng lớn với miễn dịch bảo vệ vây quanh. Đứa trẻ tự nhiên đó sẽ vô hình chung được bảo vệ. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, miễn dịch cộng đồng không được duy trì, những trẻ không được bảo vệ sẽ trực tiếp gặp nguy cơ phơi nhiễm với bệnh. Khi ấy, dịch lan rộng kèm theo hàng trăm trẻ tử vong như những gì ta thấy trong vụ dịch sởi năm 2014 sẽ là bài học đắt giá cho những bà mẹ vẫn còn mơ mộng về sống thuận theo tự nhiên và tẩy chay tiêm chủng.
Hiện nay, vắc-xin bại liệt được tiêm chủng miễn phí tại các điểm tiêm chủng ở xã/ phường trong chương trình tiêm chủng mở rộng với dạng 03 liều vắc-xin uống (OPV) phòng 2 type bại liệt 1,2 và 01 mũi tiêm IPV với 3 type bại liệt bất hoạt, theo lịch như sau:
- Uống vắc-xin bại liệt OPV lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
- Uống vắc-xin OPV lần 2 sau lần 1 tối thiểu 1 tháng.
- Uống vắc-xin OPV lần 3 sau lần 2 tối thiểu 1 tháng.
- Tiêm vắc-xin bại liệt IPV khi trẻ đủ 5 tháng tuổi.
Việc uống và tiêm chủng đủ mũi bại liệt sẽ giúp trẻ chủ động phòng bệnh bại liệt, tránh những di chứng liệt và tàn tật suốt đời. Vì vậy, cha mẹ cần ghi nhớ cho trẻ đi uống đủ 3 liều vắc-xin bại liệt và tiêm 1 mũi vắc-xin bại liệt để bảo vệ con mình.