Cảnh giác nguy cơ bệnh bại liệt

17-01-2016 23:55 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trong năm 2015, trên thế giới đã ghi nhận 57 trường hợp nhiễm virut bại liệt hoang dại và 20 trường hợp bại liệt có nguồn gốc vắc-xin. Tại một số quốc gia Nam Á vẫn còn lưu hành bại liệt hoang dại như Afgahanistan đã có 16 trường hợp, Pakistan có 43 trường hợp trong đó có 2 trường hợp bệnh bại liệt có nguồn gốc vắc-xin.

Đặc biệt, trong năm nay cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh bại liệt ở quốc gia trong khu vực. Tất cả các ca bệnh đều được phát hiện tại những nơi có tỷ lệ uống vắc-xin bại liệt thấp trong nhiều năm qua với chỉ từ 40% đến 66% trẻ được uống 3 liều vắc-xin phòng bại liệt (OPV).

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt nhưng chúng ta không được chủ quan trong bối cảnh căn bệnh nguy hiểm này chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu.

Cho trẻ uống vắc-xin phòng bại liệt (OPV) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Theo TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc duy trì miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ uống vắc-xin bại liệt cao trên 95% là hết sức quan trọng trong phòng ngừa lây truyền virut bại liệt. Để làm được điều đó, cùng với việc duy trì tỷ lệ uống đủ 3 liều vắc-xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ trên 95%, các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp đặc biệt vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa cần phải tổ chức uống bổ sung vắc-xin phòng bại liệt cho các đối tượng còn bỏ sót hoặc hoãn tiêm, nỗ lực để đảm bảo tất cả trẻ em dưới 5 tuổi đều được uống vắc -xin phòng bệnh bại liệt.

Dự kiến trong năm 2016, vắc-xin phòng bại liệt bất hoạt đường tiêm (IPV) sẽ được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng song song với việc duy trì 3 liều vắc-xin bại liệt uống (OPV) nhằm tăng cường hơn nữa miễn dịch cho cộng đồng. Đây là những bước đi cần thiết để bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt mà chúng ta đã đạt được, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn thế giới.


Dự án TCMR
Ý kiến của bạn