Cảnh giác: Mạo danh Hội Chữ thập đỏ để vận động quyên góp, bán hàng từ thiện

01-11-2019 15:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là lời cảnh báo được đưa ra Hội thảo “Bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ - Biểu tượng của nhân đạo” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế phối hợp tổ chức vào ngày 1/11, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, tuy nhiên hiện nay, tại Trung ương và địa phương đều xuất hiện việc lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.

Biểu tượng Chữ thập đỏ xuất hiện khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ, phổ biến nhất là ngành Y tế (các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc tân dược, xe cấp cứu, trên các chương trình truyền hình, quảng cáo liên quan đến chăm sóc sức khỏe…), các sản phẩm hàng hóa, biển quảng cáo, biển báo…

Nghiêm trọng hơn, một số đơn vị, nhóm người, cá nhân mạo danh Hội Chữ thập đỏ, cán bộ Hội sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để vận động quyên góp, bán hàng “từ thiện”.

Biểu tượng Chữ thập đỏ hiện đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn); mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) để trục lợi - ông Hùng cho biết thêm.

Ông Trần Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại “Bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ - Biểu tượng của nhân đạo”.

Chính vì vậy, việc sử dụng biểu tượng/ biểu trưng Chữ thập đỏ sai mục đích sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đặc biệt, việc lạm dụng/sử dụng sai biểu tượng có thể làm mất giá trị bảo vệ khi có xung đột vũ trang.

Chia sẻ vấn đề này, ông Gianni Volpin, Trưởng đại diện văn phòng ICRC tại Việt Nam và Lào cho biết, các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ như Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho tổ chức làm công tác nhân đạo còn có một mục đích, ý nghĩa là biểu tượng của sự bảo vệ (ngoài ý nghĩa biểu tượng của nhân đạo).

Theo đó, luật pháp quốc tế quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, người bệnh và người chăm sóc họ cùng các phương tiện, cơ sở vật chất khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công. Do vậy, các biểu tượng trên cần phải được tôn trọng và sử dụng đúng mục đích. Nếu biểu tượng này bị sử dụng một cách tùy tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người.

Theo ông Trần Quốc Hùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng sai, lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ. Trong đó, có nguyên nhân về nhận thức và truyền thông chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng. Do vậy, việc truyền thông nâng cao nhận thức là rất quan trọng, trước hết cần nâng cao nhận thức cho cán bộ Chữ thập đỏ các cấp để từ đó lan rộng ra cộng đồng.

Hội thảo giới thiệu nguồn gốc của biểu tượng Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ; ý nghĩa và cách thức sử dụng các biểu tượng này. Các đại biểu nghe ý kiến tham vấn của luật sư về quy trình xử lý các hành vi xâm phạm biểu tượng; kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các Hội Chữ thập đỏ quốc gia trên thế giới trong truyền thông bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các ý kiến đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Y tế về các vấn đề còn tồn tại trong việc sử dụng sai biểu tượng Chữ thập đỏ trong ngành y tế và đề xuất các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng để từ đó có hành vi sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ; ý kiến tham vấn của luật sư về quy trình xử lý các hành vi xâm phạm biểu tượng; kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh trong truyền thông bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ cũng như các chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ biểu tượng của các Hội Chữ thập đỏ quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, các đại biểu sẽ thảo luận các giải pháp bảo vệ Biểu tượng Chữ thập đỏ và xây dựng khung kế hoạch truyền thông bảo vệ biểu tượng trong thời gian tới.


Lê Mai
Ý kiến của bạn