Tết Nguyên đán đang đến rất gần, thời tiết đang chuyển sang mùa khô hanh, cũng là dịp cuối năm bận rộn nên nguy cơ cháy thường tăng cao hơn các thời điểm khác trong năm. Chỉ một chút lơ là, thiếu ý thức của người dân các đơn vị, cơ sở sản xuất có thể dẫn đến hậu quả khó lường về người và của.
Mùa khô và dịp Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm về phòng cháy chữa cháy vì độ ẩm trong không khí rất thấp, vật liệu khô nỏ, rất dễ bắt cháy. Đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu... gấp rút hoàn thành kế hoạch năm và phục vụ Tết Nguyên đán. Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Tại các chợ, lượng người tham gia giao thương rất lớn, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng cao so với thời gian trước. Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn cháy nổ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Với nhiều sinh hoạt trong gia đình, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt các hoạt động thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã nếu không cẩn thận, hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và trang bị kỹ năng xử lý khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các kiến thức, kỹ năng về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho các hộ dân đang sinh sống trong các tòa nhà chung cư và các hộ dân sinh sống tại các cụm dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội và một số địa phương khác. Những buổi tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy ngoài giờ tại khu dân cư và nhà chung cư cao tầng, được người dân rất hoan nghênh và tham gia tích cực.
Tuy nhiên, chỉ phía cơ quan chức năng là chưa đủ, để chủ động phòng ngừa cháy trong mùa hanh khô và dịp Tết, các cơ quan, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, các hộ gia đình và mỗi người dân cần có ý thức thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở mọi người thận trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị tiêu thụ điện, chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy của địa phương, đơn vị.
Đối với các chợ, trung tâm thương mại, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nhằm đôn đốc, nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán và khách hàng chấp hành nghiêm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là vào thời điểm mở và đóng cửa chợ. Trong những đợt rét đậm, người dân cần hết sức đề phòng các nguyên nhân cháy do dòng điện quá tải; việc đun nấu, thờ cúng, đốt vàng mã phải bảo đảm cách xa các vật dễ cháy và nhất thiết phải có người trông coi.
Năm 2014, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 166 vụ cháy, nổ... thì có tới 42% các vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà dân. Đáng lo ngại hơn, trong số 10 vụ cháy gây chết người thì có tới 8/10 vụ xảy ra tại nhà ở của người dân trong các khu dân cư. Đã có 70 vụ cháy xảy ra tại nhà dân và các khu chung cư trên địa bàn TP Hà Nội trong năm vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân thiếu hụt những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Chính vì thế, việc tự ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của mỗi người dân, doanh nghiệp cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng với hy vọng đón chào một năm mới an lành.
Nguyễn Minh