Hà Nội

Cảnh giác khi ho ra máu

02-03-2018 10:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật BAE (Bronchial Artery Embolization – Kỹ thuật gây thuyên tắc động mạch phế quản), là phương pháp điều trị ho ra máu có tỉ lệ thành công cao và nguy cơ tương đối thấp so với các phương pháp điều trị nội khoa cũng như phẫu thuật.

Bệnh nhân T.T.S. 53 tuổi, ở Ngã Bảy – Hậu Giang, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng sốt và ho ra máu đỏ tươi khoảng 1 tuần, không đáp ứng điều trị nội khoa và tiền sử đã phẫu thuật hai lần nhưng tình trạng ho ra máu chưa cải thiện.

Sau khi bệnh nhân nhập viện điều trị, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa: Hô hấp, Ngoại Tổng quát và X quang quyết định chọn kỹ thuật điều trị tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại cho bệnh nhân là Chụp số hóa xóa nền và nút mạch phế quản.

Ngày 28/2/2018, ê kíp gồm BS CKII Bùi Ngọc Thuấn, BS CKI. Trần Công Khánh cùng cử nhân Lương Chí Tâm, điều dưỡng Đoàn Thiên Tài, kỹ thuật viên DSA Bùi Ngọc Hiển, kỹ thuật viên Đặng Hoàng Thanh, đã thực hiện thành công kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và nút mạch phế quản cho bệnh nhân sau 2 giờ thủ thuật.

Đến ngày 1/3/2018, các biểu hiện lâm sàng bệnh nhân cải thiện rất tốt, không sốt, giảm đáng kể ho ra máu và đang được theo dõi tại phân khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, dự kiến xuất viện sau vài ngày tới.

Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật gây thuyên tắc động mạch phế quản trong phòng DSA

Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật gây thuyên tắc động mạch phế quản trong phòng DSA. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật BAE (Bronchial Artery Embolization – Kỹ thuật gây thuyên tắc động mạch phế quản), là phương pháp điều trị ho ra máu có tỉ lệ thành công cao và nguy cơ tương đối thấp so với các phương pháp điều trị nội khoa cũng như phẫu thuật và đã dần trở thành phương pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân HRM.

Ho ra máu là triệu chứng tương đối thường gặp trong khi điều trị vẫn còn là một thách thức đối với các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp. Ho ra máu nặng có khả năng đe dọa tính mạng và là một cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có tỉ lệ tử vong cao.

Ho ra máu có xu hướng tái phát nếu không được điều trị triệt để. Một số bệnh nhân ho ra máu ồ ạt nếu chỉ được điều trị nội khoa sẽ có khả năng tái phát trong vòng 6 tháng sau khi xuất viện, với khoảng một nửa số bệnh nhân này có thể tử vong.

Việc cải tiến về kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán, ống thông và chất thuyên tắc làm tăng tính an toàn, ứng dụng của phương pháp điều trị.

Mục tiêu của kỹ thuật là làm tắc thành công tất cả các động mạch tăng sinh từ tuần hoàn phế quản nhằm cầm máu tức thời và phòng ngừa chảy máu tái diễn. Tỉ lệ không tái phát trong thời gian theo dõi 1 tháng khoảng 73% đến 98%.

Tuy nhiên, tỉ lệ thành công có thể đạt được 100% nếu sử dụng lại biện pháp nút mạch và kiểm soát nguyên nhân gây bệnh bằng thuốc cũng như bằng phẫu thuật.

Kỹ thuật gây thuyên tắc động mạch phế quản được chỉ định trong các trường hợp:

- Ho ra máu nặng và trung bình.

- Ho ra máu nhẹ: mãn tính hoặc diễn tiến bệnh tăng dần.

- Ho ra máu tái phát.

- Ho ra máu không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc cầm máu qua nội soi phế quản.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa tình trạng ho ra máu cần điều trị sớm và triệt để các bệnh về hô hấp như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản, tránh hút thuốc lá…


Thanh Tuyền
Ý kiến của bạn