Ngày khám, tôi đưa bà xã đến sớm, thế mà cũng đã có mấy chục người đến trước rồi; vào ghi tên để theo thứ tự chờ gọi. Đoàn khám bệnh có 3 người: một người khám chính với một chiếc máy đo mật độ xương gót chân, một người tư vấn kê đơn, một người bán “thuốc” thu tiền. Người đến khám mỗi lúc một đông, bà xã tôi đã nôn nóng sốt ruột vì chắc còn lâu mới đến lượt. Người khám xong cứ lần lượt ra, tay cầm túi to, túi nhỏ “thuốc”, mặt buồn rười rượi. Bà xã tôi hỏi mấy bà bạn vừa ra thì được ngay câu trả lời: “Loãng xương rồi!”. Người ít thì dăm bảy trăm, người nhiều thì vài ba triệu tiền “thuốc”. Phải mua thôi, sức khỏe mà! Để tranh thủ thời gian, tôi đưa bà xã ra chợ rồi về khám vẫn kịp. Gần trưa vào khám thì đã qua số thứ tự nhiều rồi, bác sĩ định để đến người cuối cùng, nói mãi bác sĩ mới thông cảm cho khám tiếp vì nhiều tuổi!
Máy đo loãng xương miễn phí chỉ đo một điểm ở gót chân nên độ chính xác không cao. |
Bằng các động tác nhanh nhẹn, người khám chính bôi một ít kem vào mắt cá chân và đặt bàn chân bà xã tôi vào máy để bấm nút rồi “phán” một câu làm tôi đứng cạnh cũng phải giật mình: “Bác bị loãng xương nặng, độ 3 rồi! Bác phải dùng “thuốc” ngay và đi đứng cẩn thận, chỉ một cái trẹo chân là gay đấy!”. Tư vấn viên kê đơn “phán” tiếp: “Bác phải uống “bổ sung canxi” một đợt đầu đã khoảng hơn 3 triệu bác ạ! Loại này chỉ chúng cháu mới có bán”. Tôi nhìn 3 sọt “thuốc” (thực ra là các loại thực phẩm chức năng) đã bán vơi quá nửa; tôi lấy cớ là không mang theo tiền để về nhà lấy. Cô bán “thuốc” còn dặn với: Bác ra ngay nhé! Cháu chỉ chờ đến trưa thôi đấy!
Trên đường về nhà, bà xã tôi lo lắng ra mặt. Tôi phải trấn an: Biết vậy, cần xem rõ thực hư thế nào đã... Năm ngoái đây thôi, bà xã tôi vào khám ở Bệnh viện E, xin đo loãng xương, máy ở đây hiện đại lắm, đo ở 3 điểm trên cơ thể chứ không phải chỉ đo ở gót chân. Kết quả đo lần ấy cũng không bị loãng xương. Điều minh chứng là gần đây bà xã tôi đi chợ, bước hụt chân xuống một rãnh nước, trẹo cả bàn chân. Về đắp bó lá, chỉ ít ngày cũng đi lại được bình thường. Với lại hiện nay cũng không thấy hiện tượng đau nhức xương gì ở cơ thể cả! Thế mà mới một thời gian không lâu đã bị loãng xương độ 3 - loãng xương nặng mới gay chứ! Ai mà chẳng lo.
Có người mách tôi ở Bệnh viện Hòe Nhai có đo loãng xương. Mừng quá, tôi đưa bà xã đến Bệnh viện Hòe Nhai. Thủ tục cũng nhanh gọn, bà xã tôi vào phòng bác sĩ khám để xin giấy đo loãng xương. Gặp được ông bác sĩ tốt bụng, sau một đôi câu hỏi han, bác sĩ khuyên: Máy ở đây chỉ đo được 1 điểm gót chân thôi, không chính xác đâu, chỉ có máy ở Bệnh viện E là chuẩn, bác về đấy đo thì yên tâm hơn. Một lời khuyên chân thành và có trách nhiệm làm cho vợ chồng tôi lóe lên một tia hy vọng: Thế thì cái máy đo loãng xương của đoàn “trung tâm sức khỏe cộng đồng” kia liệu có chính xác không? Bà xã tôi có thực sự bị loãng xương độ 3 không? Vì cũng chỉ đo có 1 điểm ở gót chân thôi mà? Dù sao thì cũng phần nào giải tỏa được tâm lý hy vọng và bớt lo lắng mà đã hơn 1 tháng nay - kể từ cái hôm được đoàn “trung tâm sức khỏe cộng đồng” khám miễn phí... Nhất định tôi sẽ đưa vợ vào Bệnh viện E đo lại cho chuẩn, để còn có hướng điều trị.
Mong sao mọi người không bị hoang mang từ việc đo loãng xương miễn phí như vợ tôi.
Nguyễn Anh Toàn