Hà Nội

Cảnh giác hội chứng serotonin do thuốc chống trầm cảm

09-08-2017 14:41 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hội chứng serotonin xảy ra khi đang dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm có ảnh hưởng đến mức độ serotonin trong cơ thể khá thường gặp.

Tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra khi bắt đầu dùng thuốc, khi tăng hoặc quá liều thuốc điều trị do sử dụng hai hoặc nhiều thuốc cùng chất bổ sung có ảnh hưởng đến serotonin cùng thời điểm.

Nhận biết hội chứng serotonin có dễ không?

Serotonin là một chất trung gian hóa học được sản xuất bởi cơ thể cho phép tế bào não và các tế bào thần kinh khác giao tiếp với nhau. Với một lượng serotonin bình thường hằng định trong máu sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt nhưng nếu quá ít có thể gây ra chứng trầm cảm và quá nhiều có thể dẫn đến hoạt động của tế bào thần kinh quá mức, gây ra các triệu chứng có thể tử vong được gọi là hội chứng serotonin.

Khi bị hội chứng serotonin, người bệnh thường có biểu hiện lú lẫn, kích động hoặc bồn chồn, giảm tập trung chú ý, đau đầu, thay đổi huyết áp và/hoặc nhiệt độ, buồn nôn và/hoặc nôn, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, đau cơ hoặc co giật cơ, rung mình, vã mồ hôi... Trường hợp nặng, hội chứng serotonin có thể đe dọa tính mạng. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng như: sốt cao, co giật động kinh, nhịp tim không đều, bất tỉnh... người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.Thận trọng khi sử dụng thuốc chống trầm cảm để ngăn ngừa hội chứng serotonin.

Thận trọng khi sử dụng thuốc chống trầm cảm để ngăn ngừa hội chứng serotonin.

Các thuốc chống trầm cảm gây hội chứng serotonin

Thuốc chống trầm cảm là các thuốc được sử dụng để cải thiện năng lượng và cảm xúc cho người bệnh. Có nhiều nhóm thuốc chứa các hoạt chất khác nhau với các tác động khác nhau đến bệnh lý cần điều trị nhưng lại gây tác dụng không mong muốn là hội chứng serotonin. Các thuốc này bao gồm:

Thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI): Nhóm thuốc này bao gồm citalopram, escitalopram, fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine và sertraline.

Nhóm serotonin và các chất ức chế tái hấp thu norepinephrine (SNRI): Đây cũng là một loại thuốc chống trầm cảm bao gồm desvenlafaxine, desvenlafaxine succinate, duloxetine, levomilnacipran và venlafaxine. Các hoạt chất này hoạt động bằng cách duy trì sự cân băng của một số chất tự nhiên trong não như serotonin và norepinephrine.

Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAOI): Nhóm thuốc này gồm có isocarboxazid, phenelzine, tranylcypromine và selegiline qua da (EMSAM).

Thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng đến nhiều thụ thể serotonin: Chẳng hạn như vortioxetine và vilazodone. Đặc biệt, vilazodone còn không được dùng cho người bệnh đang dùng hoặc mới ngừng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO) trong vòng 14 ngày vì tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin.

Ngoài các thuốc trên, có một số loại thuốc khác như desyrel điều trị trầm cảm và mất ngủ; buspirone dùng để điều trị rối loạn lo âu, giúp người bệnh cảm thấy bớt bồn chồn, cáu kỉnh và có thể kiểm soát các triệu chứng như khó ngủ, đổ mồ hôi, nhịp tim mạnh; các  thuốc điều trị đau nửa đầu như almotriptan,amerge, rizatriptan, sumatriptan và zolmitriptan; một số thuốc giảm đau, bao gồm fentanyl, fentanyl citrate meperidine, pentazocine và tramadol, dextromethorphan hay chất chống ho có trong nhiều loại thuốc ho hoặc thuốc cảm lạnh; một số thuốc điều trị buồn nôn: granisetron, metoclopramide và ondansetron; một số loại chất như gây ảo giác (LSD) và cocaine, các chất bổ sung chế độ ăn kiêng bao gồm rong biển và nhân sâm cũng có thể dẫn đến hội chứng serotonin khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách cân bằng chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não.

Chẩn đoán hội chứng serotonin do thuốc thế nào?

Không có xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán hội chứng serotonin. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng xuất hiện nhanh vài phút hoặc vài giờ sau khi dùng các thuốc có nguy cơ gây hội chứng này như đã liệt kê ở trên. Do đó, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, bao gồm các thuốc đã dùng, kể cả thuốc bổ, tiền sử sử dụng ma túy... Tuy nhiên, cần chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng bệnh lý giống hội chứng serotonin như hội chứng kháng cholin cấp, tình trạng tăng thân nhiệt ác tính, cơn cường giáp cấp, hội chứng cai rượu...

Điều trị hội chứng serotonin

Những người có hội chứng serotonin thường nhập viện để theo dõi và điều trị các triệu chứng. Trường hợp nhẹ có thể chỉ cần ngừng các thuốc nghi ngờ là nguyên nhân và theo dõi tình trạng bệnh, thông thường các triệu chứng sẽ hết sau khoảng 24 giờ. Nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa sớm trước 6 giờ, người bệnh có thể được loại bỏ thuốc gây hội chứng serotoin bằng cách rửa dạ dày hay dùng than hoạt. Phối hợp điều trị hạ sốt bằng chườm mát, thuốc hạ sốt, bù đủ dịch, cho các thuốc an thần như nhóm benzodiazepin, các thuốc làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp như chẹn bêta giao cảm, nitropress, thở ôxy hoặc đặt ống nội khí quản, thở máy nếu có suy hô hấp nặng... Các thuốc benzodiazepine được dùng để điều trị cơn động kinh hoặc co giật. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dùng cyproheptadine để ngăn chặn sự sản sinh serotonin.Nếu không được điều trị, hội chứng serotonin trầm trọng có thể dẫn đến bất tỉnh và tử vong.

Hội chứng serotonin thường xảy ra khi hai loại thuốc có ảnh hưởng đến mức độ serotonin của cơ thể được dùng cùng lúc và là tác dụng không mong muốn thường gặp, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như cả bệnh nhân và thầy thuốc chú ý đến những tác dụng phụ của các loại thuốc có thể gây hội chứng này để theo dõi và phòng ngừa trong quá trình điều trị bệnh.


PGS.TS. Cao Tiến Đức
Ý kiến của bạn