Cảnh giác dịch sốt xuất huyết đến sớm

05-07-2019 04:22 | Thời sự

SKĐS - Theo nhận định, năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đến sớm hơn thông thường nên ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng bệnh.

Không đợi có dịch mới chống

Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-11. Thế nhưng, tại khu vực Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa kèm theo thời tiết bất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi phát triển.

Các tỉnh trong khu vực này có khí hậu, môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội khá đặc thù, nên công tác phòng, chống SXH gặp khá nhiều khó khăn, như: Tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để trữ nước không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti, lăng quăng/bọ gậy phát triển. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên, diện tích cao su nhiều, người dân khi khai thác các chén đựng mủ thường không được xử lý triệt để, sẽ là nơi cư trú, sinh sôi lý tưởng của bọ gậy, lăng quăng.

Thêm nữa, điều kiện kinh tế của đa số người dân trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, nên ý thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường sống còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không ít đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Một số cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn chưa thực sự quyết tâm vào cuộc để cùng ngành y tế phòng, chống SXH trên địa bàn và không thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy. Công tác truyền thông, hoạt động của đội xung kích, công tác giám sát và xác minh ổ dịch, công tác xử lý ổ dịch có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời.

Cảnh giác dịch sốt xuất huyết đến sớmCơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết.

Theo thống kê, số ca mắc SXH cao hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây với 5.048 trường hợp mắc, trong đó Gia Lai là 1.864 trường hợp, Đăk Lăk 1.865, Đăk Nông 1.119, Kon Tum 200; chưa có trường hợp tử vong.

Phía Nam nhiều ca bệnh nặng

Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam, đã có 2.163 trường hợp mắc SXH được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% (1.379 người) so với cùng kỳ năm 2018.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có tất cả 49.445 người mắc bệnh SXH, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận gần 800 ca SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 151 bệnh nhân SXH  trong đó có 25 trẻ em. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 ca nặng đang phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 60 bệnh nhi đến khám và điều trị SXH .

Theo BSCKII Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa dịch SXH trong năm. Thời gian qua, mặc dù là mùa khô nhưng tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh vẫn có những diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH còn cao.

Tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 3,7 ngàn ca SXH, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có hơn 3 ngàn ca phải nhập viện điều trị. Những địa phương có số ca SXH cao là TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu. Đặc điểm chung của những địa phương này là tập trung đông dân nhập cư, tình trạng người dân sống ở các khu nhà trọ không đảm bảo vệ sinh còn nhiều, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh cho con người.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hơn 860 ổ dịch sốt xuất huyết, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.


Mai Thanh
Ý kiến của bạn