Hà Nội

Cảnh giác chiêu moi tiền mới từ smartphone

03-07-2014 09:57 | Thời sự
google news

Gần đây, nhiều người dùng khá dễ dàng bị móc túi do các chiêu trò moi tiền mới từ smartphone. Các nhà mạng đã phải đưa ra những khuyến cáo khẩn cấp.

Gần đây, nhiều người dùng khá dễ dàng bị móc túi do các chiêu trò moi tiền mới từ smartphone. Các nhà mạng đã phải đưa ra những khuyến cáo khẩn cấp.

Một số hình thức lừa đảo mới với thủ đoạn ngày càng tinh vi đã chuyển hướng tấn công vào người dùng smartphone. Điển hình nhất là hiện tượng lừa đảo thông qua các phần mềm ứng dụng cài đặt trên smartphone.

Sau khi người dùng cài các ứng dụng trôi nổi và bị dính mã độc, tài khoản di động sẽ bị moi tiền bằng cách ngầm tự động gửi tin nhắn tới các đầu số dịch vụ. Không những thế, việc mã độc đột nhập vào smartphone cũng khiến các thông tin cá nhân (danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, vị trí…) trong điện thoại có thể bị lộ. Điều này đặc biệt nguy hại nếu kẻ gian nắm được các thông tin nhạy cảm về tài khoản, các giao dịch tài chính,...

Để hạn chế tối đa khả năng bị mã độc xâm nhập, nhiều nhà mạng đã đưa ra các khuyến cáo với khách hàng nên tải ứng dụng từ các nguồn tin cậy, không truy cập các website không rõ nguồn gốc. Trước khi tải các ứng dụng từ các nhà cung cấp uy tín như App Store hay Google Play thì khách hàng vẫn phải tìm hiểu kỹ thông tin về ứng dụng đó, nhà phát triển ứng dụng,...

Tuyệt đối không nên tải ứng dụng từ các nguồn, website không chính thống, hay các ứng dụng đã bị bẻ khoá. Vì như vậy, hacker rất dễ trà trộn vào đó các ứng dụng có mã độc.

Khi cài các ứng dụng, nếu có yêu cầu được phép truy cập vào các dữ liệu như vị trí, danh bạ, ảnh, SMS,... người dùng phải đặc biệt cân nhắc.

Những tin nhắn quảng cáo, mời chào từ các số điện thoại cố định, di động cá nhân hoặc các số điện thoại tổng đài lạ cũng đều có nguy cơ lừa đảo. (Thông thường các tin nhắn lừa đảo có nội dung hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng bằng cách gửi tin nhắn đến tổng đài hoặc bấm vào các đường dẫn nêu trong tin nhắn quảng cáo để cố ý thu cước hoặc cài ứng dụng trái phép vào máy của khách hàng). Những mời chào tải ứng dụng về thiết bị di động của mình từ các quảng cáo tự động bật ra (pop-up) khi truy cập vào các website, wapsite hoặc ứng dụng từ thiết bị di động cũng tiềm ẩn những nguy cơ bị đột nhập và chiếm quyền điều khiển smartphone rất cao.

Nhà mạng MobiFone khuyến cáo, khi thấy có các dấu hiệu bất thường như tài khoản di động bị trừ cước nhiều bất thường, thiết bị di động nhanh hết pin, ký hiệu GPS thỉnh thoảng bật sáng dù không sử dụng các phần mềm bản đồ hay định vị, tự động kết nối internet (Wifi/3G tự động bật bất thường), xuất hiện âm thanh lạ khi đang đàm thoại, báo cáo sử dụng dữ liệu tăng vọt hoặc tài khoản dữ liệu (data) hết nhanh bất thường,… người dùng cần phản ánh ngay tới các tổng đài hỗ trợ chính thức của các nhà mạng để phối hợp kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo.

Việc sửa chữa điện thoại hay cài đặt thêm các ứng dụng, người dùng cũng nên chọn các cơ sở chính hãng, có uy tín để được hỗ trợ.

Vụ 14.000 điện thoại bị cài phần mềm nghe lén, chiếm quyền điều khiển mới đây cũng là một trong những cách thức lừa đảo tinh vi để "rút ruột" thông tin cá nhân từ smartphone của người dùng.

 

 


Ý kiến của bạn