Sau một thời gian tạm lắng, những tháng cận Tết, tình trạng rao bán tiền giả trên mạng lại có xu hướng tăng. Tiền thật được trao đổi lấy tiền giả với tỷ lệ 1 đổi 7 hoặc thậm chí 1 đổi 10, giống tiền thật đến 98%,... đang là những lời quảng cáo gây sốt trên mạng xã hội facebook trong thời gian qua. Tuy nhiên thực chất đây chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm lấy tiền đặt cọc của những người hám lợi.
Rất dễ tìm những trang mạng bán tiền giả
Chỉ cần lên facebook gõ từ khóa “mua tiền giả” sẽ xuất hiện hàng chục fanpage và trang cá nhân có tên “Buôn bán tiền giả”, “Trao đổi tiền giả”, “Bán tiền giả như thật”... thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ. Tìm hiểu trên một trang facebook cá nhân có tên “Bích Trâm - Buôn bán tiền giả uy tín chất lượng và giao dịch trong vòng 7h” có tới gần 3 nghìn người like và theo dõi, đã đăng tải hàng loạt những hình ảnh các cọc tiền mệnh giá từ 100.000-500.000 đồng kèm theo những lời chào rất thu hút như: “Shop mua bán tiền giả uy tín, chất lượng, giao hàng toàn quốc; Lô hàng còn nóng, giá khuyến mãi 1 đổi 10 cho anh em; Nguồn gốc: Thailand, chất liệu: Polimer”. Bên cạnh những lời quảng cáo, người bán tiền giả còn ra giá cụ thể 1 triệu đổi 10 triệu, 5 triệu đổi 55 triệu, 10 triệu đổi 120 triệu. Cam kết hàng giống 99% - Hoàn tiền nếu hàng không giống ảnh.
Một trang facebook quảng cáo buôn bán tiền giả.
Qua tìm hiểu, mỗi trạng thái của các trang mua bán tiền giả này có rất nhiều thành viên vào hỏi mua, thậm chí còn đánh dấu bạn bè khác để rủ mua chung. Cách thức mua tiền giả cũng hết sức đơn giản, chỉ cần nhắn tin cho chủ tài khoản, người bán sẽ tư vấn trực tiếp và thông báo giá cả cho khách. Thế nhưng người bán sẽ không chấp nhận cách thức giao dịch trực tiếp mà yêu cầu người mua chuyển khoản sau đó sẽ chuyển hàng qua đường bưu điện. Người bán yêu cầu khách phải đặt cọc một số tiền nhất định bằng cách mua thẻ điện thoại, chuyển khoản, sau đó họ mới chịu chuyển hàng.
Đáng chú ý, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng lừa bán tiền giả qua mạng xã hội, thậm chí cơ quan công an đã xử lý không ít trường hợp bán tiền giả nhưng trên mạng xã hội vẫn nhan nhản những trang rao bán. Vào tháng 2/2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an và Công an Hà Nội thực hiện bắt, khám xét khẩn cấp Hà Văn Lâm (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức), để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Cục C50 phát hiện tài khoản facebook tên “Sang Ngọc” đăng rao bán tiền giả. Chủ tài khoản mạng xã hội có hơn 700 người theo dõi đưa ra tỷ lệ: 500.000 đồng tiền thật mua được 1,7 triệu đồng tiền giả. 1 triệu tiền thật quy đổi 3,5 triệu tiền giả; 3 triệu tiền thật mua được 12 triệu đồng tiền giả. Người sử dụng nickname “Sang Ngọc” yêu cầu khách phải giao dịch từ 500.000 đồng trở lên và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Truy dấu vết trên internet, lực lượng công an đã bắt giữ được đối tượng Lâm, tại cơ quan công an, Lâm khai nhận đã tải các hình ảnh tiền trên mạng rồi đăng lên facebook “Sang Ngọc”, kèm lời rao bán tiền giả mức giá hời để lừa đảo.
Đừng hám lợi
Liên quan đến thủ đoạn lừa đảo rao bán tiền giả để chiếm đoạt tài sản, Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an Hà Nội khẳng định, những trang facebook đăng tải thông tin như vậy là giả mạo, lừa đảo. Những người sử dụng trang facebook này luôn ẩn danh, đối tượng ngồi ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại. Trong năm 2016, PC50 đã đề nghị xử lý hình sự 23 đối tượng và bàn giao nhiều đối tượng khác cho cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999. Tùy theo số tiền, mức phạt có thể lên tới hình phạt tù chung thân. Trường hợp rao bán tiền giả chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người này sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Cục C50 cũng khuyến cáo, đối với hành vi rao bán tiền giả trên mạng, người dân cần hết sức cảnh giác bởi vì những người hám lợi nhuận rất dễ trở thành người bị hại của những kẻ rao bán tiền giả. Bên cạnh đó, người có ý định mua tiền giả rất dễ bị lừa, mất tiền thật vì phải chuyển tiền thanh toán trước cho bên rao bán. Bởi khi các đối tượng lừa đảo nhận được tiền thì sẽ “biến mất”, khóa tài khoản, chặn facebook người mua, chặn số điện thoại... Lúc đó người mua tiền giả sẽ ngậm đắng nuốt cay vì không dám báo cơ quan chức năng. Mọi người dân cần ý thức, tiêu thụ tiền giả là vi phạm pháp luật và nên hết sức cảnh giác với những chiêu trò của các đối tượng.