Cảnh giác chiêu lừa “chạy” trường trước mùa thi

10-06-2016 10:56 | Pháp luật
google news

SKĐS - Mùa thi đại học, cao đẳng đang đến gần cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo “chạy” trường vào mùa hoạt động.

Mùa thi đại học, cao đẳng đang đến gần cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo “chạy” trường vào mùa hoạt động. Lợi dụng tâm lý nhiều phụ huynh muốn “chạy” cho con em vào học tại các trường công an, các đối tượng lừa đảo đã vạch ra nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Đáng nói, do muốn trúng tuyển bằng con đường tiêu cực, không đúng lực học, nhiều nạn nhân đã rơi vào cảnh tiền mất tật mang...

“Nổ” là Chủ tịch HĐQT Công ty để “chạy” trường công an

Những năm gần đây, trước nhu cầu của người dân muốn xin cho con em vào học tại các trường công an nhân dân, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Mới đây nhất, vào cuối tháng 5/2016, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Quang Phong (55 tuổi, ĐKHK tại ngõ 1150 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) về hành vi nhận “chạy” vào các trường công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cho biết, mặc dù là đối tượng không nghề nghiệp nhưng Phong tự giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng 69 Hà Nội, khoe có nhiều mối quan hệ có khả năng “chạy” vào các trường công an để lừa đảo những người nhẹ dạ. Cụ thể, Cơ quan công an TP. Hà Nội đã nhận được tố cáo của chị Cao Thị Hằng, quê ở tỉnh Nghệ An, trú tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội và anh Nguyễn Hoàng Quang, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội về việc bị đối tượng Huỳnh Quang Phong lừa hàng trăm triệu đồng. Theo đó, tháng 8/2014, Phong biết được thông tin về chị Hằng có nhu cầu xin cho người nhà là anh Võ Duy Hân, trú ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đăng ký và thi vào Học viện CSND nhưng không đủ điểm, nay muốn xin vào học tại Trường trung cấp CSND VI (tại tỉnh Hưng Yên). Thấy vậy, Phong đã dàn dựng màn kịch lo chạy cho anh Dân vào Trường trung cấp CSND với giá 400 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, chị Hằng tin tưởng nên đã 3 lần chuyển tổng cộng là 400 triệu đồng (mỗi lần nhận tiền Phong đều có giấy biên nhận).

Cơ quan công an đọc lệnh bắt giữ một nhóm đối tượng làm giả giấy tờ, lừa đảo “chạy” trường.

Ngoài ra, cùng thời điểm này Phong cũng với thủ đoạn tương tự còn thỏa thuận với anh Quang (là bạn chị Hằng) nhận chạy một suất vào Trường trung cấp Cảnh sát vũ trang (tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho anh Trần Đức Thịnh người nhà anh Quang với giá 380 triệu đồng, anh Quang tin là thật nên đã 2 lần chuyển với tổng số tiền 230 triệu đồng cho Phong, số tiền còn lại khi anh Thịnh nhập học sẽ giao nốt. Tuy nhiên, sau khi Phong nhận tiền của 2 bị hại nêu trên, những lời hứa hẹn vào trường công an đều không có thật. Mặc dù các bị hại nhiều lần tìm Phong để đòi lại tiền nhưng Phong không trả. Ngày 6/5/2016, sau khi thu thập các tài liệu, chứng cứ về hành vi lừa đảo “chạy trường” trên, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Huỳnh Quang Phong về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tỉnh táo trước những “lời hứa”

Trước đó, vào đầu năm 2016, Công an TP. Hà Nội cũng đã khám phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng bằng thủ đoạn nhận “chạy” vào các trường công an, sau đó làm giả giấy báo nhập học để đánh lừa nạn nhân. Đối tượng chính trong vụ án là Nguyễn Văn Điệp (32 tuổi, quê Phú Thọ) đã rêu rao có khả năng “chạy” vào các đơn vị và trường thuộc ngành công an với chi phí từ 200-300 triệu đồng/suất, yêu cầu nộp trước 100 triệu đồng tiền đặt cọc cùng hồ sơ, sau 1 tháng có giấy báo nhập học mới thanh toán nốt tiền. Tiếp đó, Điệp đã câu kết với Lê Văn Quân (SN 1986, quê Phú Thọ, ở phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội) bàn bạc cách làm giấy báo trúng tuyển giả. Đặc biệt để người bị hại tin là việc trúng tuyển có thật, Nguyễn Văn Điệp còn dùng sim “rác” gọi điện cho các thí sinh, giả làm thầy giáo và cán bộ tổ chức để hướng dẫn thí sinh mang giấy báo nhập học đến làm thủ tục. Điệp hẹn đến gần khu vực các trường công an, yêu cầu đưa giấy báo để giúp thí sinh làm thủ tục nhập trường cho nhanh nhằm mục đích hủy tài liệu, che giấu hành vi phạm tội.

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, sở dĩ nhiều phụ huynh bằng mọi cách “chạy” cho con em vào học tại các trường công an vì hy vọng sau này ra trường sẽ có việc làm ngay, lương cao. Chính vì tâm lý “sính” các trường công an của một bộ phận người dân nên các đối tượng xấu đã lợi dụng, hoạt động lừa đảo. Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh là công an, mạo danh là người nhà các cán bộ, lãnh đạo trong lực lượng công an, hoặc mạo nhận có mối quan hệ rộng, có khả năng “chạy” xin việc, “chạy trường” công an với mức chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng/suất. Sau khi nhận tiền, đối tượng lừa đảo tìm cách kéo dài thời gian để trốn tránh cam kết, hoặc làm giấy tờ giả lừa nạn nhân.

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp đến là thời điểm các đối tượng lừa đảo “chạy trường” lợi dụng hoạt động. Việc tuyển dụng, tuyển sinh vào các trường đều được thực hiện công khai, minh bạch. Người dân cần đến trực tiếp các trường, hoặc vào website của trường để tìm hiểu thông tin. Việc hứa hẹn “chạy chọt” vào các trường mà không qua thi tuyển, không đúng sức học của thí sinh đều là lừa đảo. Vì vậy phụ huynh cần tỉnh táo để không rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.


V.Hương - M.Khoa
Ý kiến của bạn