Cảnh giác chiêu lừa bán vé máy bay giá rẻ cho người lao động ở nước ngoài

19-07-2019 07:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Công an TP. Hà Nội vừa tổ chức điều tra, triệt phá ổ nhóm đăng thông tin bán vé máy bay giá rẻ cho lao động Việt Nam ở nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.

Hàng loạt người “dính” bẫy lừa đảo

Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây đã nhận được thông tin từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về một đường dây chuyên lừa bán vé máy bay cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Tiến hành điều tra làm rõ, Phòng CSHS đã tiếp xúc với bị hại là chị Phạm Thị H. (SN 1984, trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan từ năm 2016, đến tháng 3/2019 thì hết hạn. Tháng 2/2019, chị lên mạng internet để tìm hiểu việc mua vé máy bay để về nước. Chị đã liên hệ với một tài khoản facebook mang tên “Minh Phuong” tự giới thiệu có bán vé máy bay giá rẻ từ các hãng hàng không của Việt Nam. Giá của “Minh Phuong” đưa ra rẻ hơn từ 30-50% so với các đại lý khác. Chị H. đã đặt mua vé của tài khoản facebook “Minh Phuong”, đồng thời gom tiền của 16 đồng nghiệp cùng công ty có nhu cầu mua vé máy bay từ Đài Loan về Việt Nam để gửi cho đối tượng với tổng số tiền là hơn 40 triệu đồng. Gần đến ngày bay, chị H. lên mạng kiểm tra lại thì phát hiện mình và rất nhiều đồng nghiệp chưa hề được đặt vé.

Tương tự là trường hợp của anh Phùng Văn Đ. (SN 1978 trú tại Tứ Kỳ, Hải Dương), ngày 25/2/2019, anh được em gái ở Đài Loan nhờ mua vé máy bay về nước. Anh Đ. đã ra bưu điện gửi gần 10 triệu đồng vào tài khoản của một đối tượng có tên “Minh Phuong”, mở tại Ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, sau đó em gái của anh Đ. cho biết không nhận được vé máy bay, số tiền anh Đ. gửi cũng đã bị đối tượng chiếm đoạt. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng còn chiếm đoạt của chị Trần Thị M. (SN 1995, trú tại Nam Đàn, Nghệ An) số tiền hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều bị hại khác đang được cơ quan công an làm rõ.

Cảnh giác chiêu lừa bán vé máy bay giá rẻ cho người lao động ở nước ngoài2 đối tượng lừa bán vé máy bay giá rẻ bị bắt giữ.

Thủ đoạn tinh vi

Với thủ đoạn “chui” vào các hội nhóm của người lao động Việt Nam ở ngoài nước, rao bán vé máy bay giá rẻ, nhóm đối tượng đã lừa đảo được nhiều vụ, tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Oái oăm hơn, một số lao động Việt Nam do tin tưởng các đối tượng nên không kiểm tra lại thông tin. Cho đến ngày giờ lên máy bay mới phát hiện ra chưa hề đặt được vé và phải sống vất vưởng nhiều ngày nơi đất khách quê người để chờ mua vé lại.

Qua điều tra, theo những thông tin ban đầu, nhóm đối tượng chủ yếu giao dịch online qua mạng xã hội facebook. Lần theo dấu vết từ user facebook, cơ quan công an chỉ thu được những thông tin khá ít ỏi. Một loạt các biện pháp trinh sát được thực hiện nhằm thu thập các thông tin cũng như hành tung của nhóm đối tượng này. Cho đến khoảng đầu tháng 7/2019, các thông tin về nhóm đối tượng ngày càng rõ ràng. Các tổ công tác đã nhanh chóng có mặt tại những địa điểm tình nghi bọn chúng đang trốn chạy, chủ động truy bắt. Theo đó, vào ngày 3 và 4/7, 2 nghi can Ngô Thị Hoàng Điệp (SN 1983, trú tại An Lão, Bình Lục, Hà Nam) và Phạm Văn Hòa (SN 1996, trú tại Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định) lần lượt bị bắt.

Thủ đoạn của các đối tượng đã được làm rõ. Từ khoảng năm 2017, Phạm Văn Hòa (khi đó đang là cộng tác viên bán vé máy bay cho một số công ty) quen với Ngô Thị Hoàng Điệp (còn có tên khác là Phương Linh). Tháng 2/2019, Hòa lâm vào cảnh nợ nần nên đã bàn với Linh lập một tài khoản facebook mang tên “Minh Phuong” để thực hiện hành vi lừa đảo. Trước đó, Hòa đã mua được một tài khoản ngân hàng mang tên “Tran Thi Minh Phuong” của Ngân hàng Techcombank để các con mồi chuyển tiền vào. Các đối tượng đã vào các group của người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, đăng bán vé máy bay giá rẻ. Khi có người liên hệ, đối tượng Linh sẽ trao đổi thống nhất giá cả và phương thức thanh toán. 2 đối tượng luôn khoe khoang rằng có nhiều năm làm trong ngành hàng không, quen biết nhiều nên có thể “săn” được vé giá “siêu rẻ”. Sau khi nhận được thông tin người có nhu cầu mua vé, đối tượng Hòa (với nhiều năm học chuyên ngành công nghệ thông tin) đã vào website của các hãng hàng không, đăng ký mua vé đồng thời chỉnh sửa trạng thái giao dịch từ “chờ thanh toán” thành “đã xác nhận” rồi chụp lại hình ảnh để gửi lại cho những người đặt mua vé. Cũng rất tinh vi, các đối tượng nhấn mạnh rằng, chỉ nhận tiền sau khi đã đặt vé thành công. Ngoài ra, Hòa còn liên hệ với đối tượng đã bán tài khoản ngân hàng cho mình, để yêu cầu cung cấp hình ảnh CMND. Nếu các con mồi hỏi giấy CMND thì Hòa sẽ trưng ra.

Cũng trong tháng 6/2019, Cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội cũng đã bắt giữ một nữ “siêu lừa” vé máy bay với số tiền đối tượng chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng. Cụ thể, năm 2017, thông qua mối quan hệ xã hội, anh H. quen biết Bùi Thị Vân Anh (SN 1992, nhà ở quận Đống Đa, TP. Hà Nội) là nhân viên bán vé máy bay tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Vân Anh “bật mí” với anh H. có nguồn mua vé máy bay bán lẻ các chuyến trong nước, quốc tế giá rẻ hơn so với thị trường. Do có nhu cầu đầu tư bán vé máy bay, anh H. đồng ý mua của Vân Anh để kinh doanh. Các lần giao dịch ban đầu, anh H. đều nhận được vé đúng như thỏa thuận. Khi đã tạo được sự tin tưởng tuyệt đối ở anh H., Vân Anh đưa ra thông tin gian dối và rủ anh H. đầu tư phi vụ “thầu” vé của cả một chuyến bay (vé toàn chuyến) của Vietnam Airlines rẻ hơn so với giá thị trường. Sau khi nhận tổng cộng hơn 7 tỷ đồng của anh H., Vân Anh không đặt mua vé cả chuyến bay như đã thỏa thuận và cũng không trả lại tiền, mà sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.


M. Tiến - T. Vinh
Ý kiến của bạn