Đủ kiểu lôi kéo
Nhiều người dân ở xã Cư M’ta (huyện M’Đrăk, Đăk Lăk) cho biết: Các đối tượng dụ người dân trốn ra nước ngoài ngày càng nhiều hình thức tinh vi. Chúng gọi điện thoại hoặc thông báo qua mạng internet. Có đối tượng còn đến tận các buôn lén lút gặp những gia đình đang có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài để thuyết phục. Khi bị phát hiện, sợ buôn làng đuổi, những đối tượng này lại tìm cách liên lạc khác.
Ông Y Sinh (ở buôn Phao, xã Cư M’ta) buồn bã chia sẻ: Chỉ vì tin vào người khác mà mình mất hết. Không còn thứ gì có giá trị trong nhà nữa. Vào giữa năm 2018, tình cờ Y Sinh biết đến ông Y Kuốt hiện đang làm việc ở Canada. Ông Kuốt vẽ ra viễn cảnh cuộc sống giàu sang, mỗi năm có thể kiếm được tiền tỉ. Không phải chật vật như ở quê nhà. Ông Sinh được hướng dẫn cứ bán hết máy móc, nông sản, đất đai rồi tìm cách sang Thái Lan sẽ có người chờ sẵn đưa đi Canada. Ngay khi vừa tiếp cận các đối tượng ở Thái Lan theo chỉ dẫn của ông Kuốt thì Y Sinh bị lừa sạch tiền và bơ vơ nơi đất khách.
Cũng lâm vào cảnh bi đát, Y Gió và Y Me ở buôn Phao được hai người đàn ông lạ giới thiệu có khả năng móc nối với các doanh nghiệp ở Mỹ, làm việc mấy trăm triệu đồng/năm. Chỉ việc tìm cách sang Thái Lan là có người đón. Ông Gió và Y Me bán sạch các tài sản giá trị mỗi người mang gần 100 triệu đồng sang Thái Lan thì bị các đối tượng lừa đảo lấy hết sạch.
Nhiều hộ gia đình ở buôn Sing B (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk) cũng bị các đối tượng lừa đảo hứa cứ gom tiền, bán nhà cửa đi sang nước ngoài sẽ được cấp nhà lầu, được trả lương mỗi năm 1 tỉ đồng nên bán hết gia sản để vượt biên trái phép. Vợ chồng ông Y Riêng kể: Họ dụ mình xong còn trưng ra nhiều loại giấy tờ lừa người dân. Nôn nóng muốn có nhiều tiền nên chúng tôi bán nhà, bán đất để đi. Trốn sang đến Thái Lan thì bị lừa mất sạch tài sản.
Nhiều gia đình thêm bi đát vì bị dụ dỗ ra nước ngoài trái phép.
Bán cả đất tổ tiên để lại, ông Y Pi và một số hộ dân trong xã Ea Drông cũng trốn sang Thái Lan để tìm kiếm cuộc sống giàu sang như lời hứa của các đối tượng lừa đảo, giờ quay về phải đi tá túc nhà người quen.
Làm lại trên quê hương
Theo UBND xã Ea Drông, năm 2019 có gần 20 người trong xã trốn ra nước ngoài. Những người này đều vì nhẹ dạ nên bị lừa. Khi tìm cách trở về, vì tính nhân văn, địa phương đón nhận và tạo điều kiện để khôi phục cuộc sống đồng thời tuyên truyền liên tục để những người khác không bị lừa nữa.
Ông Y Sinh và các nạn nhân cho biết: Khi bị lấy sạch tiền, phải ở lại lao động từ sáng đến đêm ở nơi đất khách để kiếm tiền sống qua ngày. Đa số phải sống chui lủi, vất vưởng trong các công trường. Nhờ có một số người Việt Nam đang định cư ở Thái Lan biết đến hoàn cảnh này nên đã tìm cách liên hệ với chính quyền địa phương - nơi có người đi làm việc tại nước ngoài trái phép để có phương án cho các nạn nhân trở về quê hương.
Trước khi được tạo kế sinh nhai, giúp đỡ các công việc và chỗ ở khi quay về quê hương, những người trốn ra nước ngoài phải ra kiểm điểm trước buôn làng, hứa không tiếp tục vi phạm. Ông Trần Hậu Hương, Bí thư Đảng ủy xã Ea Drông khẳng định: Chính quyền luôn nhắc nhở, cảnh báo ráo riết. Tuy nhiên, đối tượng xấu tiếp cận, liên lạc qua điện thoại nên khó kiểm soát. Nhiều người trắng tay sẽ được hỗ trợ đất ở. Thanh niên có nhu cầu việc làm thì được giới thiệu. Cuộc sống ổn định dần, tránh tâm lý dao động trước các cám dỗ khác.
Tại xã Cư M’ta (huyện M’Đrăk) Đăk Lăk, từng buôn cũng đã lập đoàn liên ngành gồm: Mặt trận, người có uy tín, các già làng... để đến tận từng gia đình nói cho họ hiểu tác hại, rủi ro khi trốn ra nước ngoài. Những người bị lừa trở về thì được động viên kịp thời, không bi quan với cuộc sống.