Cảnh giác cao độ với virus cúm A/H7N9 và cả A/H5N1

18-04-2013 15:28 | Thời sự
google news

Virút (còn gọi là siêu vi) cúm gây bệnh cho người và nhiều sinh vật khác, chúng gồm nhiều chủng. Các chủng virút cúm được chia thành 3 týp là cúm A, cúm B và cúm C dựa theo sự khác biệt của cấu trúc kháng nguyên nucleoprotein và vỏ protein của virút.

Virút (còn gọi là siêu vi) cúm gây bệnh cho người và nhiều sinh vật khác, chúng gồm nhiều chủng. Các chủng virút cúm được chia thành 3 týp là cúm A, cúm B và cúm C dựa theo sự khác biệt của cấu trúc kháng nguyên nucleoprotein và vỏ protein của virút. Trong các týp cúm A, có chủng thường gây bệnh ở người, có những chủng virút cúm thường chỉ gây bệnh trên chim, gia cầm, và trong một số rất ít trường hợp có thể xuất hiện tình trạng lây từ chim, gia cầm sang người và gây bệnh ở người. Như chủng virút cúm gia cầm A/H5N1 chủ yếu gây bệnh trên gia cầm và vào năm 1997, lần đầu tiên phát hiện chủng A/H5N1 này gây bệnh trên người, bệnh diễn biến nặng và có tỉ lệ tử vong cao. Các chủng virút cúm gây ra các dịch cúm trên toàn thế giới đã được phát hiện bao gồm:

- A/H1N1 gây dịch cúm năm 1918.

- A/H2N2 gây dịch cúm năm 1957.

- A/H3N2 gây dịch cúm năm 1968.

- A/H5N1 gây dịch cúm năm 1997.

- A/H9N2 gây dịch cúm năm 1999.

Chúng ta cần biết đặc điểm của virút cúm để biết được sự nguy hiểm của nó. Virút khác với vi khuẩn vì nó rất nhỏ chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi điện tử (còn vi khuẩn lớn hơn có thể xem bằng kính hiển vi thông thường). Virút là loài bắt buộc sống bên trong tế bào của sinh vật mà chúng xâm nhiễm. Cấu trúc hình hài của virút rất đơn giản, chỉ gồm lõi là bộ gen của acid nucleic (DNA hoặc RNA, như virút cúm có bộ gen là RNA gồm 8 mảnh rời nhau) và bao quanh bộ gen là lớp vỏ protein. Lớp vỏ protein  chứa nhiều kháng nguyên giúp virút gây bệnh, đồng thời nhờ các phương pháp xét nghiệm tìm các kháng nguyên này mà các nhà khoa học nhận diện được loại virút thuộc loại nào. Như lớp vỏ protein của virút cúm A có mang 2 kháng nguyên chính là protein H (viết tắt của Haemagglutinin) và protein N (viết tắt của Neuraminidase). Có tất cả 16 loại protein H (vì vậy có việc đánh số H1, H2…), đối với mỗi loại thì lại có đến 9 phân nhóm protein N (đánh số N1, N2…). Như vậy, tổ hợp lại thì có khả năng tạo ra 144 phân nhóm virút cúm A khác nhau. Ngoài ra, tất cả mỗi phân nhóm virút trên lại có thể chia làm 2 phân nhóm xâm nhiễm: đặc tính xâm nhiễmthấp (LPAI) và cao (HPAI), điều này phụ thuộc vào độc tính của virút đối với cácquần thểgia cầm.
Cảnh giác cao độ với virus cúm A/H7N9 và cả A/H5N1 1
 Buôn bán ở chợ tự phát, gia cầm chưa được kiểm dịch, có thể gây lây lan dịch bệnh

Virút cúm A/H5N1 có độc lực rất cao. Nguy hiểm của virút cúm nói chung là cấu trúc của chúng thường xuyên thay đổi do sự thay đổi bộ gen để có những tính chất bất thường, đặc biệt  kháng lại thuốc gọi là thuốc kháng virút dùng để trị chúng. Cho tới nay bệnh cúm A/H5N1 chỉ lây từ gia cầm cho người (do ăn, tiếp xúc gia cầm và sản phẩm từ gia cầm bị nhiễm bệnh) và chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người. Mối đe dọa lớn của virút H5N1 là chúng có thể bị đột biến gen bất cứ lúc nào để tạo thành bệnh lây lan dễ dàng từ người sang người. Và nếu nguy cơ này xảy ra thì hậu quả sẽ bi thảm. Còn virút cúm A/H7N9 thì nguy hiểm hơn cả virút A/H5N1 - theo ghi nhận ban đầu, chủng cúm này gây tỉ lệ tử vong cao, nhiều nơi lên đến 70 - 80%. Virút cúm A/H7N9 được xem là một chủng mới, có nguồn gốc gen di truyền từ virút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh và tỉ lệ tử vong cao.

Nên lưu ý, các thuốc kháng sinh trị bệnh nhiễm khuẩn (do vi khuẩn là tác nhân gây bệnh) không có tác dụng đối với virút. Trị virút phải dùng thuốc kháng virút và dùng thuốc kháng virút trị được virút A/H5N1 và A/H7N9 hiện nay là oseltamivir hoặc zanamivir và một số thuốc kháng virút khác (biết được điều này để ta cảnh giác chứ không nên hoảng loạn khi nghe nguy cơ đại dịch có thể xảy ra). Điều cần ghi nhận là cấu trúc virút cúm có thể thay đổi. Vào lúc này nó là “đích tác dụng” với một số thuốc kháng virút nhưng vào lúc khác nó lại thay đổi và không còn là “đích tác dụng” của các thuốc này nữa.

Một điều cần ghi nhận nữa là cho tới nay vẫn chưa có vắc-xin hiệu quả dùng cho người để ngừa cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 (có thông tin Trung Quốc dang nỗ lực bào chế vắc-xin ngừa virút cúm A/H7N9). Ta cũng nên biết, virút nói chung trong đó có virút cúm rất “xảo quyệt”, chúng thường xuyên biến đổi cấu trúc, hình dạng, xuất phát từ biến đổi (hay còn gọi là đột biến) bộ gen đưa đến biến đổi các kháng nguyên ở lớp vỏ bọc protein, vì vậy vắc-xin  được bào chế trước đây nếu có hiệu quả nay không còn hiệu quả nữa. Chẳng hạn như virút H5N1 trước đây đã gây dịch cúm tại Hồng Kông năm 1997, sau khi phân tích bộ gen của dòng H5N1 gây cúm lần này, người ta thấy có sự khác biệt khá nhiều. Do đó các vắc-xin đã được nghiên cứu bào chế trước đây không giúp cơ thể ta nhận biết để chống trả hữu hiệu virút cúm đã thay đổi hình dạng vào thời điểm này nữa.

Nhận thức được nguy hiểm của virút cúm A/H5N1 và A/H7N9 ta nên có sự cảnh giác đúng mức, phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tuân thủ những quy định mà ngành Y tế ban hành trong công tác phòng chống nếu dịch bệnh xảy ra.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC


Ý kiến của bạn