Hà Nội

Cảnh giác cao độ với viêm não mô cầu và nhiễm virut đường ruột

03-06-2016 14:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 1/6, BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh thông tin, bé gái V.H.N.Y. (5 tháng tuổi, ngụ Q.11 - TP. Hồ Chí Minh) đã tử vong do bị nhiễm não mô cầu.

Ngày 1/6, BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh thông tin, bé gái V.H.N.Y. (5 tháng tuổi, ngụ Q.11 - TP. Hồ Chí Minh) đã tử vong do bị nhiễm não mô cầu. Trước đó, tại Cao Bằng dịch bệnh nhiễm virut đường ruột Coxsackie cũng đã cướp đi sinh mạng của 7 trẻ em. Trong khi đó, do thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển đe dọa sức khỏe cộng đồng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có những bất thường về sức khỏe cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, tránh điều đáng tiếc xảy ra...

Các trường hợp tử vong do viêm não mô cầu đều có diễn tiến nặng

Bé gái V.H.N.Y được chuyển đến cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, xuất huyết dưới da, nôn ói, da tím tái và nhiễm trùng máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis (khuẩn mô cầu) gây viêm não mô cầu, một loại truyền nhiễm cấp. Các bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới đã tiến hành điều trị khẩn cấp nhưng bé không qua khỏi.

Điều trị cho bệnh nhân viêm não mô cầu tại BV Bệnh Nhiệt đới TW (ảnh minh họa).

Trường hợp đầu tiên của năm 2016 tử vong liên quan đến viêm não mô cầu là nữ sinh ở Hải Dương, bệnh nhân tử vong chỉ sau 2 ngày sốt nhẹ, đau đầu. Cả 2 trường hợp tử vong được xác định do viêm não mô cầu trong năm nay đều có diễn tiến nặng nhanh và dẫn tới tử vong chỉ trong 48 giờ.

Trước đó, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cũng đã có 7 trẻ em tử vong liên quan đến dịch bệnh nhiễm virut đường ruột Coxsackie với các biểu hiện chủ yếu: quấy khóc, bỏ bú, bú kém, khó thở, sốt, nôn, tiêu chảy. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, virut Coxsackie là virut đường ruột có khả năng gây nhiều bệnh như viêm não, tay chân miệng và là nguyên nhân gây ra các vụ dịch bệnh của mùa hè hay gặp ở trẻ em.

Chính vì thế, nhận định về tình hình dịch bệnh tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi làm việc với ngành y tế Cao Bằng trong ngày 1/6 đã cho rằng, dịch bệnh nhiễm virut đường ruột Coxsackie mới chỉ là tạm dừng bước đầu và nguy cơ dịch bùng phát quay trở lại là rất lớn bởi vì mầm bệnh còn ở đó, đối tượng cảm nhiễm còn ở đó, điều kiện vệ sinh, môi trường tại gia đình của đồng bào chưa được tốt, thời tiết bất thường rất thuận lợi cho một số loại dịch bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa.

Kiên quyết không để dịch bệnh lan rộng

Trước thực trạng các ca tử vong xảy ra do dịch viêm não mô cầu và dịch bệnh nhiễm virut đường ruột Coxsackie, ngày 2/6, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi ngành y tế các địa phương đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh này, đồng thời tiếp tục đưa ra khuyến cáo phòng bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu.

Theo đó, tại Công văn số 699/DT-DP gửi Sở Y tế các địa phương về việc tăng cường phòng chống bệnh do virut  đường ruột Coxsackie, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện và xử lý sớm các trường hợp viêm não, bệnh tay-chân-miệng do virut đường ruột Coxsackie, các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan rộng. Về phía các cơ sở khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị cần chuẩn bị sẵn các phương tiện trang thiết bị và cơ số thuốc, tổ chức tốt việc chẩn đoán sớm, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tử vong, đồng thời tăng cường tập huấn chuyên môn về điều trị các bệnh do virut  đường ruột Coxsackie cho các cán bộ y tế tuyến dưới và các xã vùng sâu, vùng xa.

Trước thực trạng trẻ em tử vong vì dịch bệnh này tại Cao Bằng do tập tục sinh hoạt lạc hậu và thói quen ốm đau không đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị ngành y tế các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân có thói quen ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời...

Đối với dịch viêm não mô cầu, Cục trưởng Trần Đắc Phu lưu ý, mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ, vắc-xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn