Hà Nội

Cảnh giác các thuốc gây tăng huyết áp

12-04-2018 07:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thực tế cho thấy, số người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng và từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc dùng thuốc chữa bệnh lý khác.

Vậy đó là những loại thuốc nào và người bệnh nên làm gì khi dùng thuốc có nguy cơ làm tăng huyết áp?

Khi nào được gọi là tăng huyết áp?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Chỉ số huyết áp được tính bằng milimet thủy ngân, bao gồm huyết áp động mạch hay gọi là huyết áp tâm thu (chỉ số trên) và huyết áp tâm trương (chỉ số dưới). Huyết áp bình thường đối với người lớn là dưới 140/90mmHg.

Tăng huyết áp (THA) là khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Một người bị THA có thể tăng cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, nhưng cũng có trường hợp đặc biệt chỉ tăng 1 trong 2 loại (huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương).

Tăng huyết áp là biểu hiện có thể gặp khi dùng thuốc glucocorticoid, thuốc giảm cân… hay thuốc Đông y.

Tăng huyết áp là biểu hiện có thể gặp khi dùng thuốc glucocorticoid, thuốc giảm cân… hay thuốc Đông y.

Thuốc nào có thể làm THA

Nhóm glucocorticoid: Các thuốc thuộc nhóm này như predisolon, dexamethason, medrol, solumedrol… là những thuốc thường bị lạm dụng do có tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh nhất, đặc biệt trong các bệnh về xương, khớp (viêm khớp, thoái hóa khớp, lồi đĩa đệm…), bệnh hen suyễn (vừa dùng loại uống vừa dùng loại thuốc khí dung hoặc xịt họng hoặc loại thuốc tiêm). Thuốc nhóm này gây THA rõ rệt, nhất là bệnh nhân đang thường xuyên THA. Nguyên nhân do thuốc glucocorticoid khi sử dụng sẽ làm tăng nồng độ corticosteroid nội sinh trong nội bào, gây co mạch và ứ natri, từ đó tăng giữ nước, làm THA.

Thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid (NSAID): Lý do gây THA là do các prostaglandin (PGE2 và PGL2) được sinh ra do xúc tác của cyclooxygenase (COX), có chức năng đảm bảo lưu lượng máu ở thận và sự bài tiết natri qua nước tiểu. Sự ức chế cyclooxygenase bởi các thuốc chống viêm không steroid có thể gây ứ muối và nước ngay cả khi không có suy giảm chức năng thận, điều này có thể làm THA lên khoảng 3-5mmHg. Ngoài ra, các NSAID còn làm giảm hiệu quả các thuốc điều trị THA.

Thuốc giảm sung huyết: Các thuốc ephedrin, phenyl ephrin, phenyl propanolamin được dùng rộng rãi nhằm làm giảm sung huyết tại chỗ niêm mạc mũi và gây co mạch ở đó, chống nghẹt mũi. Tuy vậy, nếu dùng tại chỗ với liều cao hay dùng toàn thân đều có thể gây THA.

Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương: Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương như dexamphetamin và methyl phenidat có thể dùng điều trị chứng thiếu tập trung tư tưởng - quá hiếu động (tăng động), khi dùng có thể gây THA (có thể làm THA tâm thu lên khoảng 5 - 10mmHg).

Thuốc giảm cân: Có một số thuốc giảm cân có thể làm THA đối với người đang điều trị bệnh này, đó là sibutramin và ephedra. Sibutramin là thuốc Tây y được chính thức công nhận điều trị thừa cân béo phì. Còn ephedra (thực chất ephedra là vị thuốc Đông y tên ma hoàng) có trong chế phẩm thực phẩm chức năng, dùng để giảm cân thông dụng ở Hoa Kỳ (có thể chế phẩm loại này được nhập không chính thức vào nước ta). Cũng cần lưu ý một số thuốc trị cảm có thể chứa ephedrin là dược chất có trong ephedra (ephedrin dùng liều cao để giảm cân trong khi dùng liều thấp giúp trị nghẹt mũi, sổ mũi giống như pseudoephedrin).

Một số thuốc khác: Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái thu hồi serotonin…) có thể gây THA hoặc làm nặng thêm tình trạng THA sẵn có ở bệnh nhân. Hoặc viên thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen vẫn có thể làm gia tăng huyết áp, đặc biệt người có tiền sử THA, bệnh suy thận, đái tháo đường, xơ vữa mạch.

Thuốc Đông y: Thuốc Đông y như cam thảo nếu dùng nhiều, thường xuyên có thể làm THA bởi vì sẽ làm tăng nồng độ các mineralocorticoid nội bào có thể gây THA. Đối với người bị THA hoặc bị các bệnh tim mạch khác, nhân sâm do có tác dụng kích thích, đặc biệt nhân sâm thường phối hợp với các vị thuốc kích thích dùng lâu ngày có thể gây THA. Bên cạnh đó, ở nước ta cần lưu ý có tình trạng lưu hành thuốc Đông y giả mạo, thường kết hợp với thuốc Tây y là corticoid nhằm đạt các tác dụng trị đau nhức, kích thích thèm ăn, làm tăng cân… nhưng dùng lâu ngày sẽ bị các tác dụng phụ nguy hiểm, trong đó có gây THA do thuốc.

Làm gì khi bị THA do thuốc?

Như vậy, thuốc dùng để chữa bệnh nhưng có thể có tác dụng không mong muốn, đặc biệt một số thuốc khi sử dụng có thể xuất hiện THA hoặc làm gia tăng huyết áp nếu đang bị THA. Do đó, người đang bị THA, mỗi lần đi khám bệnh cần báo cho bác sĩ khám bệnh biết để chọn lựa thuốc điều trị thích hợp tránh làm gia tăng huyết áp. Mặt khác, khi dùng thuốc, nếu thấy bất thường (nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, phù…), cần ngưng dùng thuốc và báo cho bác sĩ khám bệnh biết ngay hoặc tái khám vì đó là những dấu hiệu của THA do thuốc.


TS. Đặng Bùi Bảo Linh
Ý kiến của bạn