Cảnh giác các thủ đoạn lừa bán vé tàu, máy bay dịp Tết

14-12-2016 19:57 | Pháp luật
google news

SKĐS - Việc lừa đảo thông qua website giả mạo, nhái những trang web chính thức đã xuất hiện từ lâu và hiện đang ngày càng gia tăng, lan rộng sang nhiều lĩnh vực.

Việc lừa đảo thông qua website giả mạo, nhái những trang web chính thức đã xuất hiện từ lâu và hiện đang ngày càng gia tăng, lan rộng sang nhiều lĩnh vực. Mới đây, liên tiếp các website giả mạo để bán vé tàu, vé máy bay nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân đã bị phát hiện thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh giác.

Phát hiện vé tàu Tết giả

Trong 2 ngày 11 và 12/12, ga Sài Gòn phát hiện 8 vé tàu giả được các đối tượng “cò” bán cho hành khách trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, vào chiều ngày 11/12, một hành khách đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra 4 vé tàu (mẫu A4) chặng TP.HCM đi Thừa Thiên Huế ngày 23 và 25/1/2017 đã mua thông qua “cò” trước đó. Kết quả kiểm tra cho thấy, 4 vé tàu nêu trên không có thông tin hành khách và số giấy tờ cũng không hợp lệ. Tiếp đó, vào sáng ngày 12/12, đơn vị này tiếp tục phát hiện thêm 4 vé tàu giả được hành khách mang tới ga Sài Gòn nhờ kiểm tra. Những vé này đều được in từ mẫu giấy A4 và nếu nhìn bằng mắt thường, các thông tin trên vé rất giống vé thật in từ hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt. Hiện những vé giả này đã được Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn gửi thông tin qua Công an phường 9 (quận 3, TP.HCM) để tiến hành điều tra.Giao diện trang web giả mạo vietnamtrainticket

Giao diện trang web giả mạo vietnamtrainticket.

Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đã phát hiện một số trang web bán vé tàu giả mạo với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé Đường sắt Việt Nam cung cấp hòng trục lợi khi nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết. Theo đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các trang như: vietnam-railway.com, vietnamtrainticket.com, vietnamrailways.net, cheapvietnamtrain.com... có tên miền gần giống với website của ngành đường sắt nên một số hành khách đặc biệt là khách nước ngoài đã hiểu nhầm và mua vé với giá rất cao. Cụ thể, khi hành khách liên hệ đặt mua vé thông qua các website giả mạo, chủ các website này sẽ lấy thông tin của hành khách, sau đó vào website của ngành đường sắt đặt mua vé. Khi đặt thành công, họ gửi mã vé cho hành khách và lấy giá cao gấp nhiều lần. Để tránh thiệt hại cho hành khách, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa ra cảnh báo cho các khách hàng mua vé tàu trực tuyến. Cụ thể, trang website chính thức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có địa chỉ http://dsvn.vn. Tại đây, khách hàng có thể đặt mua vé, tìm hiểu thông tin giờ tàu, giá vé và một số quy định khác.

Lừa đảo bán vé máy bay tinh vi bằng chiêu “hoàn vé”

Tương tự, cứ mỗi khi bước vào mùa lễ Tết, nhu cầu về vé máy bay luôn tăng cao, nắm được điều này cộng với việc lợi dụng chính sách linh hoạt về vé của các hãng hàng không, một số đối tượng đã thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân một cách tinh vi. Cụ thể, đối với hãng hàng không Vietnam Airlines, lợi dụng chính sách cho phép hoàn lại vé (ngoại trừ vé khuyến mãi, siêu khuyến mãi...) một số kẻ đã tiến hành lừa đảo với hình thức bán giá rẻ hơn giá hãng công bố. Thủ đoạn của chúng là mua vé loại thương gia (Business) hoặc phổ thông (Economy) với đúng ngày, giờ và tên của người mua, thực hiện thanh toán như bình thường và gửi vé cho người mua đồng thời yêu cầu kiểm tra vé với tổng đài của Vietnam Airlines. Khi người mua thực hiện kiểm tra thì thông tin hoàn toàn chính xác với tên, hành trình, giờ, điện thoại... và hoàn toàn yên tâm với tấm vé Tết của mình. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ gửi yêu cầu tới Vietnam Airlines để hoàn vé và lấy lại tiền (do thông tin của người mua đối tượng lừa đảo đã nắm được toàn bộ), lúc này tấm vé của người mua đã không còn giá trị.

Với các hãng Vietjet và Jetstar, hiện tượng này cũng có thể diễn ra khi đối tượng sau khi bán vé cho bạn và dùng hình thức đổi tên, hành trình và chấp nhận mất phí tối thiểu từ 330 nghìn đồng trở lên, đồng thời tiếp tục bán cho nhiều người khác bằng hình thức này để trục lợi.

Liên quan đến thực trạng này, theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, càng vào những dịp lễ Tết, các website giả mạo càng xuất hiện rất nhiều. Ví dụ như, qua tìm kiếm trên mạng, khách hàng sẽ thấy có rất nhiều website mang tên các hãng hàng không tại Việt Nam. Khác biệt duy nhất chỉ một chữ cuối, thậm chí chỉ khác một chữ “s”. Cụ thể, trang web chính hãng có chữ “s” nhưng trang nhái thì không. Đó là lý do xuất hiện tình trạng vé máy bay đã mua nhưng hết hạn hoặc tới sân bay, khách hàng mới tá hỏa vì vé giả, không lên được máy bay...


T. Vinh - Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn