Hà Nội

Cảnh giác bệnh nấm ở người do chó mèo

12-09-2018 15:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2017 đến 15/7/2017 đã có 3 trường hợp bị bệnh dại nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong và 2 ca bị nặng nên xin về (do bị chó dại cắn).

Ngoài mối nguy bệnh dại ra, chó mèo còn lây truyền cho người một số bệnh nấm khác. Bài viết này giới thiệu một số bệnh nấm có thể lây truyền từ chó mèo.

Bệnh nấm da là một trong những bệnh ngoài da phổ biến, nhất là về mùa hè. Nước ta có khí hậu nóng ẩm, nên rất thích hợp cho sự phát triển của vi nấm, vì vậy các bệnh do vi nấm chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các bệnh ngoài da. Tại Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, bệnh nấm da chiếm tỷ lệ 5% trên tổng số các bệnh da.

Vi nấm gây bệnh lây từ chó, mèo chủ yếu do loài Microsporum canis, một số ít do Trychophyton mentagrophytes. Các vi nấm này gây bệnh cho chó, mèo làm chúng bị rụng lông, nổi sẩn đỏ, ngứa da; hoặc chỉ gây ra các tổn thương kín đáo nơi lỗ tai, mắt làm thường khó nhận biết, hoặc mầm bệnh mới chỉ dính trên lông của chúng chưa gây bệnh gì nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người.Có thể mắc bệnh nấm từ thú cưng do ôm ấp chúng.

Có thể mắc bệnh nấm từ thú cưng do ôm ấp chúng.

Cách thức lây nhiễm là do tiếp xúc trực tiếp với chó mèo hoặc gián tiếp khi trẻ em bò lê la trong nhà đã có sẵn bào tử nấm rơi vãi trên nền nhà từ lông chó mèo. Thông thường là những bệnh sau:

Bệnh nấm tóc: Là những mảng tròn tóc bị đứt ngang cách da đầu vài mm, da đầu không bị sưng đỏ. Cũng có trường hợp da đầu sưng, tạo những bọc mủ quanh chân tóc và cọng tóc đó bị rụng thành những mảng tròn gồ cao trụi tóc. Có 2 loại:

Nấm tóc gây rụng tóc khu trú không để lại sẹo: do nấm Microsporum, Trichophyton gây ra.

Nấm tóc gây rụng tóc khu trú để lại sẹo: do nấm Achorion schonleini.

Chữa trị:

Tại chỗ: Cắt tóc ngắn đến sát da đầu, dùng dầu gội nizoral.

Toàn thân: Uống griseofulvin và  thuốc trị nấm loại bôi.

Bệnh nấm da: Có thể xuất hiện ở cổ, má (do thường hôn hít chó mèo), hoặc bất kỳ vùng da nào cũng có thể bị bệnh. Tổn thương ban đầu là sẩn đỏ, với những bóng nước nhỏ li ti, ngứa và lan rộng dần ra chung quanh thành những vòng tròn như đồng tiền (dân gian hay gọi là lác đồng tiền). Tổn thương chủ yếu nằm ở rìa vòng tròn, vùng trung tâm nhẵn, các vòng tròn khi lan rộng sẽ giao nhau và tạo thành hình ảnh đa vòng. Điều trị: thời gian là 4 tuần. Uống griseofulvin và bôi kem ketoconazol. Tránh cạo da trước khi bôi thuốc.

Bệnh nấm móng: Bệnh bắt đầu từ bờ móng, từ đó vi nấm ăn sâu vào trong móng, móng dần dần trở nên đục, lồi lõm, bề mặt mất bóng, phía dưới móng lùi xùi nhiều bột móng làm cho móng có vẻ dày. Thường bị bệnh ở một móng rồi lan dần ra các móng khác. Cả móng tay và móng chân đều có thể bị bệnh. Bệnh tiến triển hàng tháng, hàng năm. Điều trị bằng cách bôi nizoral tại chỗ và uống griseofulvin.

Khi thấy những tổn thương nghi ngờ như trên, người bệnh cần đi khám chuyên khoa da liễu để lấy mẫu bệnh phẩm đem soi, cấy nhằm xác định chính xác tác nhân gây bệnh thì điều trị mới hiệu quả. Thời gian điều trị cho mỗi loại nấm có khác nhau. Cần điều trị đúng thuốc, đủ liều lượng, đủ thời gian cần thiết thì mới tránh được tái phát và kháng thuốc. Ngoài ra cũng cần tránh những chẩn đoán sai, rồi dùng thuốc không thích hợp làm tổn thương ban đầu thay đổi, nên khi tới được bác sĩ chuyên khoa thì việc chẩn đoán chính xác đã trở nên khó khăn.

Việc dự phòng bệnh do nấm cũng giống như đối với các loại ký sinh trùng khác. Nhưng đường lây lan chủ yếu ở đây là qua đường tiếp xúc gián tiếp hay trực tiếp với chó mèo, vì vậy:

Không ôm ấp, hôn hít chó mèo hay để trẻ ôm ấp, hôn hít chó mèo.

Không để trẻ bò lê la dưới sàn nhà khi trong nhà có nuôi chó mèo.

Không để chó mèo vào phòng ngủ, phòng chơi của trẻ.

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh lông chó mèo rụng rồi bay khắp nhà dính lên giường chiếu, quần áo, chăn nệm.

Thường xuyên tắm chó mèo sạch sẽ.

Chúng ta cũng phải thường xuyên vệ sinh cá nhân, vì mồ hôi ẩm ướt làm bở lớp sừng của da, cọ xát gây sung huyết, trợt da, nhất là thiếu vệ sinh ít được tắm giặt để cho nha bào của nấm bám vào da có đủ thời gian nảy nở thành sợi nấm.

Giặt, luộc quần áo phơi nắng, lộn trái khi phơi.

Tránh thói quen mặc quần áo chật, không nên dùng đồ sợi nhân tạo.

BS. NGÔ VĂN TUẤN
Ý kiến của bạn