Sau ngập lụt, các loại bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có điều kiện phát triển gây thành dịch làm cho nhiều người bị mắc và có thể tử vong do môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Bệnh dịch tả đã được đề cập đến nhiều trong thời gian qua mặc dù chưa có ngập lụt, khi có ngập lụt bệnh có cơ hội lây lan rộng hơn. Một bệnh thường song hành với bệnh tả là bệnh lỵ trực khuẩn. Vì vậy sau ngập lụt, cần cảnh giác với bệnh lỵ trực khuẩn và việc phòng chống dịch bệnh lỵ trực khuẩn cũng cần được mọi người quan tâm.
Đặc điểm của bệnh lỵ trực khuẩn
Lỵ trực khuẩn còn được gọi là lỵ trùng, xích lỵ, lỵ nhiệt độc ... Đây là bệnh viêm đại tràng cấp do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh nhân mắc thể cấp tính là mối đe dọa nghiêm trọng nhất, những ngày đầu sẽ đào thải một khối lượng lớn vi khuẩn ra ngoài. Những bệnh nhân mắc thể nhẹ thường không bị cách ly, không được điều trị sớm cũng có khả năng thải mầm bệnh. Bệnh nhân mắc thể mạn tính, thường là trẻ em, cũng gieo rắc mầm bệnh ở thời kỳ bột phát. Bệnh nhân đã duy trì căn nguyên bệnh giữa mùa dịch, vụ dịch; có thể từ vài tháng đến vài năm. Khi ngập lụt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng do chất thải, tạo cơ hội thuận lợi cho mầm bệnh phát tán, lây lan.
Uống nước không hợp vệ sinh dễ mắc lỵ trực khuẩn. |
Triệu chứng của bệnh
Bệnh lỵ trực khuẩn thường diễn biến cấp tính. Thời gian ủ bệnh ngắn từ nửa ngày đến 7 ngày. Bệnh khởi phát đột ngột, không có dấu hiện báo trước với hai hội chứng là nhiễm khuẩn và lỵ. Hội chứng nhiễm khuẩn làm cho bệnh nhân bị sốt 38 - 39oC hoặc cao hơn, có rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp. Ở trẻ em có thể bị co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn, đôi khi bị nôn, xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao. Hội chứng lỵ làm cho bệnh nhân bị đau bụng, lúc đầu đau âm ỉ quanh rốn rồi lan ra toàn bụng theo khung đại tràng, cuối cùng thành cơn đau quặn bụng, khu trú ở hố chậu trái làm cho bệnh nhân muốn đi đại tiện, mót rặn và rát hậu môn khi đi đại tiện, mỗi ngày đi hơn 10 lần. Lúc đầu phân sệt, sau loãng, rất thối, lẫn chất nhầy và máu. Chất nhầy nhiều, ít khi trong, thường đục lờ mờ, có khi vàng đục như mủ. Chất máu không tươi mà hồng nhạt hoặc sẫm như máu cá. Chất nhầy và máu hòa lẫn với nhau, không có độ bám dính. Hội chứng nhiễm khuẩn thường ngắn từ 2 - 4 ngày, ít khi dài hơn. Hội chứng lỵ có thể từ 5 - 10 ngày hoặc kéo dài hơn tùy theo thể bệnh và cơ địa của bệnh nhân. Ruột bị tổn thương phục hồi chậm, trở lại bình thường sau 3 - 4 tuần.
Chẩn đoán quyết định bệnh lỵ trực khuẩn thường căn cứ vào 3 yếu tố. Về dịch tễ cần xác định bệnh xảy ra đồng loạt, nhiều người bị mắc bệnh trên một địa bàn hẹp ở trong một thời gian ngắn. Về lâm sàng xác định hội chứng lỵ đi kèm với hội chứng nhiễm khuẩn. Về phát hiện căn nguyên gây bệnh lỵ cần phân lập vi khuẩn qua cấy phân, dùng phương pháp miễn dịch huỳnh quang phát hiện vi khuẩn trong phân, phương pháp chẩn đoán huyết thanh...
Phân biệt bệnh lỵ trực khuẩn và bệnh tả?
Bệnh tả và bệnh lỵ trực khuẩn là hai bệnh thường gặp trong các vụ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở các nước nhiệt đới như Việt Nam. Thể nhẹ của bệnh tả có thể nhầm lẫn với bệnh lỵ nhưng bệnh tả có những nét đặc trưng riêng của nó như bị sôi bụng, không đau bụng, phân lỏng như nước cháo, màu đục, đi đại tiện dễ dàng, không sốt, thân nhiệt hạ, triệu chứng nhiễm độc rõ rệt, dấu hiệu nổi bật nhất là triệu chứng mất nước và điện giải. Việc xác định bệnh tả hay bệnh lỵ trực khuẩn là yêu cầu cần thiết xác định nguyên nhân bệnh trong dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Điều trị
Bệnh nhân bị lỵ trực khuẩn phải được cách ly tại nhà, ở bệnh xá hoặc bệnh viện trong suốt thời gian bệnh cấp tính. Đồ dùng, dụng cụ, áo quần, chất thải... của người bệnh phải được khử khuẩn, tẩy uế. Vi khuẩn lỵ đáp ứng tốt với các loại thuốc sulfamide và kháng sinh thông thường như bactrim, néomycin, ampicillin, streptomycin, chloramphenicol, tetracyclin... và các thuốc kháng sinh thế hệ mới. Tuy vậy, cần cấy phân và làm kháng sinh đồ để chọn loại thuốc thích hợp còn nhạy cảm, đáp ứng có hiệu quả với vi khuẩn. Điều cần chú ý là không dùng kháng sinh trong các thể nhẹ, dùng liều tối đa, kéo dài thời gian dùng thuốc. Tránh dùng một lúc 2 - 3 loại kháng sinh vì vừa không cần thiết, vừa tăng tác dụng phụ của thuốc.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh