Cảnh giác “bẫy” việc làm đăng trên mạng xã hội

24-10-2018 07:00 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng, các công ty dịch vụ việc làm và trang mạng giới thiệu việc làm mọc ra như nấm sau mưa.

Nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để lừa những người đang cần tìm việc làm. Với những thông tin tuyển dụng đánh trúng tâm lý tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao” của nhiều người được đăng trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên để tìm được những công việc này lại không hề đơn giản...

Đủ chiêu lừa đảo xin việc làm

Những đối tượng lừa đảo thành lập các trang web và trang mạng xã hội, mạo danh các công ty nổi tiếng để đưa ra những thông tin tuyển dụng việc làm, từ đó lừa đảo, thu phí của người có nhu cầu tìm việc. Đối tượng lừa đảo của chúng tập trung vào các sinh viên chưa có kinh nghiệm tìm kiếm việc làm. Bạn Nguyễn Dương Ngân (Thanh Hóa) chia sẻ, lên mạng tìm hiểu thị trường việc làm, Ngân đọc được một thông tin tuyển dụng rất hấp dẫn là tuyển nhân viên bán vé máy bay gấp, lương 250.000 đồng/ca. Liên lạc với số điện thoại được đưa lên mạng, Ngân được thông báo công việc trên không yêu cầu hồ sơ, chỉ cần chứng minh nhân dân. Tìm đến văn phòng công ty, qua phỏng vấn nhanh Ngân được tuyển vào vị trí bán vé máy bay với mức lương 250.000 đồng/ca/2h. Tiếp đó, Ngân được đề nghị nộp 300.000 đồng lệ phí mua đồng phục và 100.000 tiền làm thẻ, sau đó nộp bản công chứng chứng minh nhân dân, hộ khẩu và giấy khám sức khỏe và đợi gọi đi làm. Tuy nhiên, đợi cả tháng trời vẫn không thấy ai gọi đi làm, gọi điện thì được trả lời tiếp tục đợi, Ngân yêu cầu trả lại tiền thì được trả lời là đã may đồng phục và làm thẻ, không thể trả lại. Không đủ kiên nhẫn đợi cũng như không có thời gian để chạy đi chạy lại đòi lại 400.000 đồng đã nộp, Ngân đành chấp nhận mất tiền.

Nhóm đối tượng lừa đảo xin việc làm bị Công an TP. Hà Nội bắt giữ.

Nhóm đối tượng lừa đảo xin việc làm bị Công an TP. Hà Nội bắt giữ.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương vừa có thông báo về việc một số tổ chức, doanh nghiệp lừa đảo người lao động nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản. Theo đó, hiện nay có một số đối tượng hoặc tổ chức lợi dụng thông tin của người lao động đăng ký trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương để liên hệ giới thiệu việc làm với mục đích chiếm đoạt tiền và tài sản của người lao động. Cách thức lừa đảo của các công ty, tổ chức này rất đa dạng như: Dụ dỗ người lao động tham gia các khóa học không có giá trị, không cấp chứng chỉ nhằm lấy tiền của người học; Tuyển dụng theo mô hình đa cấp: lấy tiền của người sau bù cho người trước, cung cấp thông tin mập mờ, các nội dung hứa hẹn đều là trao đổi miệng, không ký kết hợp đồng lao động (kể cả hợp đồng lao động thử việc), không thực hiện những lời hứa hẹn và các cam kết đúng như khi tuyển dụng; Sử dụng tên các công ty gần giống với các tập đoàn lớn để tạo sự hiểu lầm cho người lao động khi đến tìm việc và thường xuyên thay đổi tên doanh nghiệp. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng, bản thân người có nhu cầu việc làm, đóng tiền tham gia các khóa học cần tìm hiểu rõ học cái gì, kinh doanh lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và được cấp phép không... Tốt nhất là tìm việc ở các kênh chính thống như Hội chợ việc làm, Sàn giao dịch việc làm hoặc trực tiếp tại các công ty có uy tín và đủ tư cách pháp nhân.

Cảnh giác, đừng để “tiền mất, tật mang”

Thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội đã bắt quả tang nhóm đối tượng đang giao tiền và giấy tờ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc hứa hẹn tuyển dụng lao động, xin việc làm... Trong đơn trình báo cơ quan công an, nhiều nạn nhân cho biết với chiêu trò thu tiền đồng phục, tiền đặt cọc và lệ phí hồ sơ..., nhóm đối tượng này đã thu nhiều tiền của các ứng cử viên nộp hồ sơ, trong đó chủ yếu nạn nhân là người ở các tỉnh lân cận đến Hà Nội tìm việc làm. Sau khi nhận đặt cọc số tiền từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng, các đối tượng lừa đảo đã cắt đứt liên lạc để nạn nhân không tìm được chúng.

Danh tính nhóm đối tượng lừa đảo được làm rõ gồm Đặng Thị Thoan (23 tuổi), trú tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên; Bùi Thị Mai Hương (45 tuổi), trú tại huyện Phúc Thọ; Lê Đức Mạnh (26 tuổi), trú tại huyện Ứng Hòa; Lại Văn Tiến (32 tuổi), Nguyễn Văn Huynh (28 tuổi) và Nguyễn Hoài Anh (30 tuổi), đều trú tại quận Thanh Xuân.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận mặc dù không có chức năng và khả năng tuyển lao động, nhưng đã bàn nhau dùng thủ đoạn đưa tin và đăng số điện thoại lên mạng xã hội để “tuyển lao động, việc làm”. Sau khi các nạn nhân “dính bẫy”, các đối tượng hẹn đến một nơi nhất định nào đó để bàn giao tiền và hẹn ngày đi làm. Sau khi nhận tiền, các đối tượng nhanh chóng thay đổi số điện thoại để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo với người khác. Nhóm đối tượng này đều không nghề nghiệp, chuyên dùng thủ đoạn hứa hẹn tuyển lao động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhằm tạo lòng tin cho nạn nhân, chúng viết phiếu thu có chữ ký, địa chỉ in trên các giấy tờ đưa cho nạn nhân cầm và đó là giấy tờ khống, giả mạo.

Theo điều tra ban đầu, các đối tượng nhằm vào người ngoại tỉnh đến Hà Nội xin việc làm và chúng thu số tiền “chạy việc” tùy thuộc vào khả năng của nạn nhân. Cơ quan điều tra cũng xác định chỉ trong vòng 2 tuần, nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 40 người bằng thủ đoạn như trên. Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Đội phó Đội hướng dẫn, điều tra án kinh tế khác - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội cảnh báo: “Qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với thủ đoạn xin việc làm, tuyển lao động thông qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu xin việc, cần đến cơ sở tin cậy có trụ sở, địa chỉ và được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động lĩnh vực tuyển dụng. Không nên xin việc theo kiểu qua tay nhiều người, mối quan hệ không rõ dễ dẫn đến tiền mất tật mang”.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn