Cảnh giác bẫy vay tiền từ nhân viên ngân hàng rởm

13-11-2020 11:50 | Pháp luật
google news

SKĐS - Với những lời mời chào vay vốn qua mạng Zalo, Facebook như: hồ sơ chỉ cần bản chụp CMND, bằng lái xe, giải ngân trong vòng 24h, không cần gặp mặt, thậm chí có nợ xấu vẫn có thể vay được tiền..., nhiều người đã bị chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Mới đây, các ngân hàng đã có khuyến cáo khách hàng cảnh giác với chiêu lừa đảo này.

Chiêu lừa tinh vi

Bằng những lời quảng cáo hấp dẫn, nhiều người có nhu cầu vay tiền đã “sập bẫy” những nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty tài chính “rởm”. Anh Hoàng T. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 10/2020, thấy một quảng cáo trên mạng liên hệ với một số điện thoại để được tư vấn vay vốn. Người nhận điện thoại tự nhận là nhân viên tín dụng của một ngân hàng, mời chào anh T. vay 100 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng, trả lãi mỗi tháng là hơn 3,3 triệu đồng. Thấy lãi suất hợp lý, thủ tục vay đơn giản, tất cả chỉ phải tiến hành qua điện thoại, anh T. đồng ý vay. Ngay sau đó, anh T. nhận được một tin nhắn thông báo hồ sơ đã được giải ngân và yêu cầu anh T. phải đóng phí hồ sơ, phí bảo hiểm cộng với 1 tháng tiền lãi trước để ngân hàng hoàn tất thủ tục giải ngân. Tin lời người này, anh T. chuyển khoản tiền phí, bảo hiểm gần 20 triệu đồng cho đối tượng. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, anh T. không thể liên lạc được với số điện thoại trên. Liên hệ với địa chỉ ghi trên hợp đồng được đối tượng gửi vào tin nhắn Zalo trước đó, anh T. mới phát hiện ra đây là địa chỉ và số điện thoại “ma”. Ngay cả tên ngân hàng viết trong hợp đồng cũng bị viết sai thành Ngân hàng TMCF Techcombank, điều khoản vô cùng sơ sài.

Qua tìm hiểu, rất nhiều người có nhu cầu vay tiền bày tỏ sự bức xúc vì dính bẫy lừa của những kẻ mạo danh nhân viên công ty tài chính hoặc nhân viên ngân hàng. Theo đó, các đối tượng này thường quảng cáo có thể hỗ trợ vay tiền với số tiền lớn, thủ tục đơn giản (chỉ cần một trong số các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, hợp đồng lao động, giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe chính chủ...), “bao hồ sơ”, có kết quả trong vòng vài chục phút và giải ngân trong vòng vài tiếng đồng hồ. Sau khi yêu cầu nạn nhân gửi các giấy tờ và thông tin cá nhân, chúng sẽ yêu cầu đóng một khoản phí, phổ biến là “phí bảo hiểm rủi ro”, dao động từ 1-2 triệu đồng rồi chiếm đoạt khoản phí này. Để “con mồi” tin tưởng, những kẻ lừa đảo thường để ảnh đại diện hoặc gửi hình ảnh cho khách hàng là hình mặc đồng phục, đeo biển tên cán bộ giả mạo, hình ảnh hội thảo, các hoạt động chung của công ty tài chính hoặc ngân hàng...

Tuyệt đối không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cho người lạ

Thực tế, tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo cho vay vốn không phải là chuyện mới, đã được phản ánh và các ngân hàng cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn liên tiếp có thêm người dân sập bẫy.

 vay tiền Những lời mời chào vay tiền nhanh, “bao hồ sơ” xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Ngân hàng Techcombank cho biết, lợi dụng tâm lý cần vay tiền của người dân trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19, gần đây xuất hiện một số đối tượng tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để mời chào, cung cấp các khoản vay. Có nơi quảng cáo là có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay. Với chiêu lừa trên, kẻ xấu yêu cầu người vay phải chuyển trước khoản phí làm hồ sơ khoảng 700.000 đồng/người, sau khi nhận được số tiền này thì lặn mất tăm và đã có nhiều trường hợp bị lừa theo cách này. Techcombank khẳng định những trường hợp quảng cáo làm các dịch vụ cho vay, thanh lý hồ sơ cho vay qua mạng là giả mạo. Để vay vốn, khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để nộp hồ sơ và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng để được giải ngân theo quy định.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cảnh báo nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh đại diện giả mạo của ngân hàng để gửi tin nhắn cho khách hàng qua Zalo, mạng xã hội nhằm chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Những người này sẽ yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một tài khoản khác do họ cung cấp. Sau khi đã nhận được khoản tiền này, đối tượng sẽ chặn liên lạc với khách hàng. Ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng chuyển bất cứ khoản tiền nào trước khi giải ngân cho vay.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù và phải hoàn trả cho bị hại toàn bộ số tiền mà mình đã chiếm đoạt. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, dùng thủ đoạn xảo quyệt, chiếm đoạt tài sản từ 50 đến dưới 200 triệu đồng... thì bị phạt tù 2-7 năm.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn